Viết về Ô Quan Chưởng (cửa ô duy nhất còn tồn tại ở Hà Nội)

3/12/18
(iini.net) Mình tin rằng sẽ có nhiều bạn trẻ ngày nay không rõ ngọn nguồn của cái cửa ô duy nhất còn lại ở Hà Nội này. Nhân dịp tết vẫn còn vương vất, biên ra đây phục vụ group ai thích và quan tâm thì đọc để biết. Trân trọng mời bà con lai rai, điểm tâm một chút Hà Nội xưa.

Viết về Ô Quan Chưởng (cửa ô duy nhất còn tồn tại ở Hà Nội)
Viết về Ô Quan Chưởng (ảnh: internet)

Chắc chắn không người Hà Nội nào lại không biết đến bài Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao với câu hát: “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về…”. Đó là: Ô Quan Chưởng, Ô Đống Mác, Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Dền và Ô Cầu Giấy.
Còn Nguyễn Đình Thi viết những lời từng làm xao xuyến hàng triệu con tim (ít nhất mình đã hát bài này thường xuyên trên môi suốt những năm học phổ thông và cho đến tận bây giờ):
"Hà Nội vui sao
Những cửa đầu ô
Tíu tít gánh gồng
Đây ô Chợ Dừa, kia ô Cầu Dền
Làn áo xanh nâu Hà Nội tươi thắm..."


Bài của Văn Cao thật HÙNG, bài của Nguyễn Đình Thi thật TRÁNG.

Đầu tiên mình hiểu rằng cửa ô là lối ra vào thành, có vọng gác, chốt chặn để kiểm soát, thu thuế, bảo vệ cuộc sống trong thành (Ô Quan Chưởng hiện nay để lại hình ảnh rõ nét, vậy thì phải chăng các cửa ô khác ngày xưa cũng như thế này?). Các cửa ô được đặt tên theo làng theo tổng. Mỗi cửa ô thời ấy có lẽ là một chiếc cổng ngày mở đêm đóng bởi mỗi phường như một làng khép kín, có cây có rào, có tuần đinh canh phòng để ngăn ngừa đạo chích và canh chừng hỏa hoạn. Cụ Lê Hữu Trác trong cuốn Thượng kinh ký sự tả cái Ô Chợ Dừa thế này, xin trích ra đây để mọi người tham khảo về hình ảnh một cái cửa ô: “Một cái thành đất không cao lắm. Bên cạnh là một cái tường nhỏ, trên mặt tường là đường xe ngựa đi, ở mé ngoài hàng rào che kín mít.Dưới chân tường là hào sâu. Trong hào thả chông xem ra rất kiên cố. Thành có ba vọng canh, nơi nào cũng có lính sắp hàng, gươm súng sáng quắc".

Chả biết đời ông nội mình(1885-1939) như thế nào chứ đời ba mình đến đời mình chắc chắn chỉ được nghe đến cái tên bốn cửa ô, đó là: Ô Đống Mác, Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Dền và Ô Cầu Giấy (có tài liệu nói Hà Nội xưa có đến 21 cửa ô, chả biết đúng hay sai) và được mục sở thị một cửa ô thứ năm nữa là: Đông Hà Môn – hay còn gọi là Ô Quan Chưởng. Tự nhiên lại muốn tìm tòi tài liệu để viết về cuộc sống, sinh hoạt xưa ở cái cửa ô duy nhất còn lại này.

Sau khi chiếm đóng Hà Nội, người Pháp đã cho phá bỏ các công trình cũ quanh thành thị để mở rộng khu phố mới. Nhưng riêng Ô Quan Chưởng, nhờ có sự đấu tranh kiên trì của nhân dân và của ông cai tổng Đồng Xuân, cụ Đào Đăng Chiểu (1845-1916), nên chủ trương đó không thực hiện được. Vì ông Cai tổng cùng với dân chúng nhất định không chịu ký tên vào tờ trình xin phép phá cửa ô nên cuối cùng người Pháp phải nhượng bộ.

Theo Tuyển tập văn bia Hà Nội, tập 1, cửa Đông Hà xây từ năm Cảnh Hưng 10 (1749) được sửa chữa lại năm Gia Long (Đinh Sửu 1817). Ngang lối đi giữa cổng có một tấm bia đá gắn vào tường mé trong. Bia khắc tờ sức của Hà Ninh tổng đốc Hoàng Diệu và tuần phủ Hà Nội Hoàng Hữu Xứng đề năm Mậu Dần 1878 cấm lính canh gác xách nhiễu nhân dân.

Trong cuốn “Người và cảnh Hà Nội” của nhà Hà Nội học Hoàng Đạo Thúy, có ghi chép về Ô Quan Chưởng như sau: "Song song với Hàng Ðậu là Hàng Khoai. Dư­ới chợ là Phố Mới; đầu phố, chỗ gần bờ sông có cửa Ô Quan Chưởng (cửa Ðông Hà),còn nguyên cổng xây cũ, đoạn này gọi là phố Hàng Chiếu. Trước khi Tây sang, một người Pháp có tên Jean Dupuis (Ðồ Phổ Nghĩa) gây cơ sở ở đây cùng với bọn khách trú khi Francisco Garnier đánh thành thì một ông Chưởng Cơ, cùng một trăm chiến sĩ, đã giữ cửa này đến ng­ười cuối cùng!

Đây là một trong nhiều cửa ô, mở qua tường phía đông, của tòa thành đất bao quanh khu kinh thành Thăng Long xưa. Tòa thành ấy đắp vào năm 1749. Nhưng diện mạo Ô Quan Chưởng như hiện nay là do lần sửa chữa lớn vào năm 1817. Tên chính thức là Đông Hà môn, tức là cửa ô Đông Hà. Gọi là Ô Quan Chưởng, để ghi nhớ sự hy sinh của viên Chưởng cơ và binh lính nhà Nguyễn, chiến đấu chống Pháp, khi chúng đánh thành Hà Nội.

Thời Pháp thuộc, chỗ phố Trần Nhật Duật là xưởng nước mắm Vạn Vân khai thác nước mắm ở đảo Cát Bà của gia đình nhạc sỹ Đoàn Chuẩn, (sau này, công tư hợp doanh, gia đình Đoàn Chuẩn gần như bị án treo, bị chuyển ra ở phố Cao Bá Quát) mặt sau thông với ngõ Thanh Hà, Thanh Hà thông với chợ Bắc Qua, nơi này tập trung xã hội đen mạnh nhất của Hà Nội ngày đó.

Cánh ăn cắp vặt chuyên đi xích lô không trả tiền bằng cách bảo xích lô chờ ở cửa vào nhà lấy đồ, rồi thông qua ngõ Thanh Hà mất tích. Xích lô có chờ ở cửa đến tết Cônggô cũng không thấy nó ra trả tiền.

Người Hà Nội từ phía bắc xuôi đến chân cầu Long Biên thì coi như đã tới cửa ngõ về nhà, qua cổng Ô Quan Chưởng đã cảm thấy như ở trong lòng Hà Nội rồi.

Từ cầu Long Biên, qua Trần Nhật Duật rẽ vào là thấy ngay cổng Ô Quan Chưởng sừng sững, uy nghi. Đứng ở phía đê Trần Nhật Duật, lòng người cứ thấy trống trải lo lo thế nào ấy, chỉ khi đi qua cổng Ô Quan Chưởng, tự nhiên lòng ta mới thấy tĩnh, ta có cảm giác cổng Ô Quan Chưởng như một sự đảm bảo vững chắc che chở thân tâm mình. Đặc biệt, khi nổ ra cuộc kháng chiến toàn quốc, 48 ngày đêm Hà Nội chìm trong khói lửa mà cổng Ô Quan Chưởng gần như không bị phá hoại. Bên thành cổng chỉ lỗ chỗ những vết đạn súng trường, mà sau đó là chỗ cư trú cho nhái bén và thằn lằn, hoặc cây dương sỉ mọc lên. Thời ấy,cổng Ô Quan Chưởng không có ai bảo vệ, cũng đã bị chung quanh lấn chiếm. To gan nhất là ông K, thợ giặt là sát cổng bên số lẻ, đã đục tường sang cổng Ô, lấy Ô Quan Chưởng làm chỗ phơi quần áo.

Ô Quan Chưởng ngày xưa
Ô Quan Chưởng ngày xưa (ảnh: internet)

Trước mặt cổng Ô Quan Chưởng là phố Hàng Nâu, phố này ngày xưa bán củ nâu để nhuộm quần áo. Ngày xưa toàn quần nâu áo vải, nên bán nâu chạy lắm. Cái bà bán nâu bên số chẵn cạnh cổng Ô vẫn giữ nghề bán củ nâu để nhuộm vó, lưới. Giữa phố có cửa hàng bán nâu của bà S. Sau đó chẳng hiểu sao phố Hàng Nâu đổi thành phố Ô Quan Chưởng. Thời đó, hỏi phố Ô Quan Chưởng người Hà Nội không biết, phải nhận là phố Hàng Chiếu thì mọi người mới biết.

Còn cách đánh số nhà thì theo quy luật của sông. Nghĩa là nếu phố dọc sông thì cứ xuôi theo dòng nước sông chẩy để tính số nhà. Như phố ngang sông Ô Quan Chưởng thì sát sông là số 1. Nhà số 1, phố Ô Quan Chưởng kề với trường Trần Nhật Duật. Thời 1946 ngôi trường này gọi là trường Ke vì nó ở sát với ke đê sông Hồng. Trong ngày toàn quốc kháng chiến, trường này đã diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt giữa Việt Minh và Pháp, cho nên gần như sập đổ hoàn toàn. Thời đó từ trường Ke, Việt Minh đục tường thông qua phố Chợ Gạo xuyên sang phố Đào Duy Từ. Khoảng 1950, Mỹ viện trợ cho Pháp xây dựng lại trường Ke. Cổng trường Trần Nhật Duật đề cái biển to có vẽ quốc kỳ Mỹ, với hàng chữ: “Mỹ quốc viện trợ”.

Đối diện với phố Trần Nhật Duật là nhà thổ cao cấp: Nhà số 2 phố Ô Quan Chưởng. Nhà thổ này lưng quay ra phố Trần Nhật Duật, cửa mở về Ô Quan Chưởng. Đây là nhà thổ cao cấp nên toàn khách sang trọng cả Tây lẫn ta.Các cô gái điếm buồn sang chơi nhà hàng xóm, nhưng mọi người đều lảng tránh.Hoa hậu ca ve lúc đó có lẽ là cô Xuân. Cô Xuân đẹp lắm, mặt hiền lành phúc hậu, không hiểu kiếp trước thế nào mà kiếp này cô lại ra nông nỗi này. Cô đi đâu là cánh đàn ông lấm lét thèm thuồng nhìn theo. Dạo ấy ca ve ăn mặc kín đáo lắm,chỉ có chiếc quần sa tanh trắng trong đó lờ mờ chiếc xi líp đỏ là khiêu dâm thôi. Mặt mũi ca ve cũng không tô mắt xanh mỏ đỏ như bây giờ. Nhà thổ ngày xưa cũng có biển hiệu, biển hiệu của nhà thổ là cửa sơn mầu đen hắc ín. Các cô cave hàng tháng đều được đi khám bệnh lục xì. Nhà hàng có kinh doanh môn bài hợp pháp đàng hoàng.

Mụ chủ chứa người cũng đẫy đà như mụ Tú bà, nhưng da dầy và đen chứ không “lờn lợt mầu da”. Còn con mụ Tú bà là một thanh niên tuấn tú nhưng hom hem vì mắc bệnh giang mai, do đau ở hạ bộ nên đi đứng khệnh khạng.Thời đó không có bao cao su nên khách làng chơi cũng như ca ve thường mắc bệnh lậu, giang mai, gọi là cù đinh thiên pháo.

Bọn trẻ trong phố Ô Quan Chưởng thường đục lỗ vào buồng ngủ của nhà chứa phần cửa sổ quay ra phố Trần Nhật Duật để xem ca ve làm tình, mặt đứa nào cũng lấm lét vì nếu bố mẹ bắt được thì có mà nhừ đòn.

Ca ve Ô Quan Chưởng là ca ve cao cấp, các cô chỉ ngồi trong nhà. Còn ca ve thấp cấp như ở ngõ Hàng Giầy thì từng tốp ra giữa đường níu kéo khách. Thời tạm chiếm, loại ca ve phục vụ người Việt được đánh giá yêu nước hơn ca ve ngủ với Tây. Ca ve phục vụ Tây gọi là me Tây, me Tây bị khinh bỉ nhục nhã cả về nhân phẩm, còn chính trị thì coi như phản bội Tổ quốc.

Những trận Pháp càn vào khu kháng chiến, theo nhà văn Tô Hoài viết thì một số thanh niên Hà Nội đi chơi ca ve đầm, đè nó xuống chiếu dập thật mạnh để trả thù cho dân tộc. Đó là kiểu yêu nước của lãng tử con nhà giầu trác táng.

Năm 1947, phố Ô Quan Chưởng chỉ có một vài ngôi nhà. Còn thì đều bị đổ nát và bọn trộm cắp đi hôi của khắp nơi. Căn nhà nguyên vẹn là nhà số 7, số 5. Đây là hai căn hộ người Hoa. Người Hoa được lãnh sự quán Tàu phát cho cái biển cỡ 60x80cm làm bùa hộ mệnh. Biển này trên vẽ cờ Tưởng Giới Thạch ghi bằng ba thứ chữ Tàu, Việt và Pháp: “Đây là nhà Hoa kiều”. Hoa kiều là ngoại kiều nên được cả Việt minh lẫn Pháp để yên. Bọn trẻ con thường vào các ngôi nhà đổ nát bới tìm đồ vật ra làm trò chơi. Có lần, các cậu bé tìm được một cái chai đem ra vỉa hè đập chơi, ai ngờ đấy lại là chai chứa thuốc nổ của tự vệ, chai nổ tung nhiều đứa bị thương. Nhà số 7 có hai bé bị thương, tuổi khoảng lên 8, một bé bị thương vào bụng, một bé bị thương vào mông. Cả hai bé này hiện tuổi ngoài 70. Bé bị thương vào bụng đã di tản sang Mỹ. Bé bị thương vào mông đi dậy học,đã về hưu sống bình yên, an lạc.

Thời 1950, dọc đê sông Hồng, từ cầu Long Biên đến nhà Bác Cổ,tối đến đèn bật sáng là các loại dế mèn, dế cụ, cánh cam, cánh quýt, cà cuống, các loại muỗi, dơi bay quanh các ngọn đèn điện. Trẻ con ngước mắt nhìn lên đèn đường chuẩn bị đón bắt những con vật quý ấy. Quý nhất là loại cà cuống. Cà cuống khi bị rơi tiếp đất thì bay sà xuống như máy bay hạ cánh. Khi tiếp đất,cà cuống nằm ngửa. Không nên vồ ngay sẽ bị cà cuống châm đau như ong đốt, cần chờ cho cà cuống lật ngược lại, ấn lưng cà cuống xuống đất rồi nhấc lên sẽ an toàn tuyệt đối. Cà cuống có hai loại: cà cuống thịt và cà cuống cay. Cà cuống thịt không có bọng cay, không có giá trị lấy hương cà cuống. Trẻ con phố Ô Quan Chưởng loại bắt cà cuống nhà nghề thì sáng sớm hôm sau, độ năm giờ, đi một quệt từ cầu Long Biên, tới nhà Bác Cổ mò ở hai bên cống sẽ bắt được hàng trăm con.Sao độ ấy nhiều cà cuống đến thế, còn ngày nay có lẽ thuốc trừ sâu đã tiệt chủng giống này. Nằm dưới cống, cà cuống thường nấp sau chỗ có nhiều lá. Mò cà cuống phải khéo léo bắt ngang lưng, kẻo bị đốt thì khốn. Sau đó mang cà cuống ra chợ Đồng Xuân bán. Dạo ấy cà cuống rẻ như bèo. Bán trăm con cà cuống chỉ mua được bát phở. Ngày nay một con cà cuống đủ để mua hai thậm chí là ba bát phở.

Cuối phố Trần Nhật Duật, ở giữa ngã năm có một cái cột đồng hồ. Các nam học sinh nếu có ân oán giang hồ thì gọi nhau ra cột đồng hồ phố Trần Nhật Duật chân cầu Chương Dương đánh nhau tay không một trận phân huynh đệ là xong. Đặc biệt nếu kẻ nào dùng vũ khí coi như phạm luật sẽ bị coi như xã hội đen, bạn bè xa lánh. Thời đó, có câu thành ngữ về luật phân huynh đệ: “Một chọi một ra cột đồng hồ”. Cách giải quyết này cũng na ná kiểu đọ súng của giới quý tộc Châu Âu xưa.

Ô Quan Chưởng ở trên đầu phố Hàng Chiếu, mặt trước nhìn về phía đông và sông Hồng, mặt sau nhìn về phía tây và phố Hàng Chiếu kéo dài. Về kiến trúc có vòm cửa trấn giữ, trên lại còn lưu giữ một lầu địch vọng là nơi canh gác. Cửa được xây vòm tò vò rộng, trước đây có hai cổng bằng gỗ dày lớn, ban đêm lính canh đóng cửa thành và mở ra buổi sớm cho người dân qua lại, buôn bán.

Phố Ô Quan Chưởng thời thuộc Pháp có tên là Rue des Nattes en Joncs - Phố Hàng Chiếu Cói, là nơi tập trung buôn bán chiếu cói, sản phẩm của những vùng ven biển Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, chở lên bằng thuyền.

Ô Quan Chưởng ngày nay
Ô Quan Chưởng ngày nay (ảnh: internet)

Ngày nay, Ô Quan Chưởng là cửa ô duy nhất còn lại của Hà Nội, vừa là dấu vết của thành Thăng Long xưa vừa là một bằng chứng tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân trong việc chống giặc ngoại xâm và hôm nay, Ô Quan Chưởng đã trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia được tu tạo, phục chế gần như nguyên bản và là di sản văn hóa của Hà Nội.
Tạ Trí


Gợi ý bài viết liên quan:
  1. Chút tản mạn về Mùa Thu Hà Nội qua những câu ca, lời thơ hay
  2. 1001 bài thơ viết về Hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội) mới nhất
  3. Chùm thơ Hà Nội Mùa Thu hay, tình thơ lãng mạn khi Thu về với Thủ đô
Trịnh Thanh Biên
Trịnh Thanh Biên
Bạn vừa xem Viết về Ô Quan Chưởng (cửa ô duy nhất còn tồn tại ở Hà Nội) trên trang web iini.net, được thành viên Trịnh Thanh Biên biên tập vào lúc 2018-12-03T14:12:00Z [nội dung đã được chỉnh sửa/cập nhật gần đây nhất vào lúc 2018-12-28T01:45:18Z].
Bạn có thể tìm thấy nhiều bài viết liên quan trong danh mục:
Hãy chia sẻ bài viết này lên mạng xã hội nếu bạn thấy hay nhé!
Chia sẻ lên Facebook
Có 9 bình luận cho bài viết "Viết về Ô Quan Chưởng (cửa ô duy nhất còn tồn tại ở Hà Nội)"
  1. Cám ơn tác giả. Mình người Sài Gòn nhưng cũng tha hương đã lâu. Tháng 4 này muốn về HN một tuần lang thang... cám ơn vì những điều hữu ích 💓
  2. Trưa nay mình vừa chui qua cửa Ô Quan Chưởng rẽ phải vào phố Thanh Hà. Cảm ơn bác Tạ viết bài hay quá!!
  3. Ô Quan chưởng ấn tượng cho tôi là Hàng bún Ốc chấm ở góc phố Hàng Chiếu, là hàng Chả Rươi và Bánh rán bi bên cạnh đó, là Hàng Lòng dồi ở bên phía sâu hơn chút nữa, phố gì quên mất tên rồi....
    Những cái này làm nên một Hà nội phố...
  4. Vâng cám ơn tác giả. Bác đã đưa tôi trở về với những kỉ niệm tuổi thơ đường phố. Một stt viết rất công phu tâm huyết với HN 5 cửa ô 36 phố phường. Xưa hình như người ta gọi cave là gái điếm bác nhỉ. Thời sau 54 thì gọi là " bóng, bớp".
    Hồi bé mấy đứa trẻ bọn tôi cứ hay mò ra vườn hoa Bách Thảo, vườn hoa Canh nông hoặc ven hồ Ha le xem trộm họ hun nhao hoặc dập dềnh mí nhao. Cái tên Ô Quan Chưởng thì thực sự giờ mới biết xuất xứ.
    Nói về cà cuống thì lên cầu Long Biên bắt được rất nhiều. Chủ yếu đem về nướng, ăn thơm ngon lắm. Nếu vớ được con cà cuống cay, chỉ khi nướng lên nó thơm sực nức mới biết.
    Bi giờ trên phố Ô quan Chưởng có rất nhiều hàng bán chả rươi quanh năm. Nó không ngon như nhà làm vì độn trứng thịt nhiều quá, nhưng khi ngồi trên phố Ô quan Chưởng thưởng thức miếng chả rươi nóng hôi hổi, tâm lại tràn đầy cảm xúc về một HN ngàn năm văn hiến.
  5. Cửa Ô của HN còn nhiều chứ... Ô Cửa Nam, Ô Cửa Bắc, Ô Yên Phụ... và đặc biệt còn Ô Đồng Lầm Có thể nhiều người biết các cửa ô này, nhưng rất ít người biết tới Ô Đồng Lầm với câu "Đồng Lầm có vải nâu non". Ô Đồng Lầm chính là làng Kim Liên, gắn liền với hồ Ba mẫu và Bẩy mẫu (Công viên Thống nhất bây giờ). Các cô con gái làng Kim Liên xưa thường mài nâu nhuộm gồi, nhuộm đũi. Xong rồi khuya ra tắm tiên bên bến Lầm (hồ Bẩy mẫu). Một lần ông Ba giai mới giả làm ông thầy mù nhờ các cô dắt qua cầu vào Ô Đồng Lầm. Qua cầu xong các cô bảo: "Thấy cứ rẽ lối này là tới". Bấy giờ ông Ba giai mới mở mắt ra, cầm ba toong chỉ vào chỗ "ấy" của các cô rồi hỏi lại "Rẽ vào chỗ này ấy à ?". Chuyện loang ra, từ đấy gái làng Kim Liên bỏ nghề nhuộm nâu. Sau dân làng mời một thầy địa lý về đặt mạch cho làng.

    Nguyện vọng của dân làng muốn có cái nghề cao sang để mở mày mở mặt với thiên hạ. Thế đất ấy không có mạch phát, nên ông thầy địa lý đặt mạch cho con trai chuyên nghề hớt tóc. Con gái chuyên nghề hái rau muống, gọi là "Vít đầu, cấu cổ". Thế nên ông tổ nghề cát tóc bây giờ là ở làng Kim Liên. Thời bao cấp thì các cửa hàng cắt tóc Quốc doanh hầu hết là người làng Kim Liên. Cách đây hơn chục năm, hồi rục rịch mở dường Kim Liên mới người ta cũng định để đoạn hè đối diện khu Chuyên gia (Khách sạn Kim Liên và Tru sở Ocean Bank bây giờ) làm phố cắt tóc để giữ truyền thống làng nghề. Nhưng thị hiếu tiêu dùng thay đổi như cơn lộc nên dự án không thành.

    Còn ngày xưa rau muống Kim liên ngon nổi tiếng, được cung cấp đến hầu hết các cửa hàng rau hoa quả của Hà Nội. Rau muống Kim Liên là rau sơ thả trên các mặt hồ trải dọc từ đầu làng Kim lên theo chân đê La Thành tới tận cửa đình Kim Hoa. Ngoài ra còn có Hồ Tròn và Hồ Dài, đằng sau Trường cấp 1,2 Kim Liên giáp với khu chuyên gia (Chỗ nhà A8). Còn Hồ Chiến Thắng nối thông hồ Dài không thả vì đấy là chỗ lọc nước và đặt trạm bơm Phương Mai (Cống Phương mai) để bơm nước đề phòng ùng ngập.nước. Sơ rau ban đầu được đánh đống ủ vài ba ngày, khi trắng rễ và thói lá thì bấy giờ các bà các chị mới chất xuống thuyền rải đều ra khắp mặt hồ. Sau vài chục ngày những cọng rau non mỡn dài độ 30cm được thu hái. Hái liên tục, chả đạm phân gì mà ra cữ nõn ra thôi. Được độ dăm lứa thì thì cắt "đùi gà" rồi vớt sơ lên ủ đống chuẩn bị cho lứa mới. Đùi gà muống là chỗ bị cấu nhiều lần, rau sùi ra một cục to bằng ngón tay cái. Loại này luộc tới chấm măm tỏi chanh ớt thì thôi rồi nước bọt ơi ! bùi quên chết, nhai chả muốn nuốt vì tiếc. Những hôm vớt sơ thì tha hồ mà bắt cá. Phơi mặt hồ, cá hết chỗ nấp nên chạy tứ tung, hoặc rúc bùn. Những lúc này đánh ba tiêu, kéo dây, kéo vó kiếm dăm bẩy cân cá ngon ơ. Các bà các chị đi thả rau quanh ao hồ Hà Nội như Văn Chương, Linh Quang, Hoàng Càu, sông Lừ, sông Sét...
  6. Tuổi thơ tôi mon men nhảy tầu từ bé cùng với các kiểu lang thang nghịch ngợm nên Hà Nội với tôi thân thuộc lắm.

    Hà nội với tôi muôn thuở là Hà nội xưa. Một Hà nội nho nhỏ xinh xinh. Một Hà nội đến Vọng, đến Mơ, đến Giảng võ, đến dốc Yên phụ thôi. Hà nội ngày xưa với nộm bò khô phố Hồ Hoàn Kiếm, lạc rang húng lìu Bà Triệu, vằn thắn Văn Miếu, táo dầm Yên phụ... Những quân Khương Thượng "chặt đầu lột da", Trụng tự "nước vo la cà chum vại"... Rồi thế nào là "2 quăn 3 róc" với "5 sàng 7 giã" và "rót, non, già" của dân làng Vòng với cốm cùng cái cổng Đa Lộc lồi vào làng.... Rồi "Gái Định công cho không chẳng đắt, trai Đại kim chim vàng cũng vứt" hay là "Gái làng Lủ chó rủ cũng đi"... Làng Lủ ngày xưa chính là làng Đại Kim đối diện Sơn tổng hợp qua cây cầu sắt con con, đi lối Thuốc lá Thăng long thì vào sâu trong vài cây số. Người ta bây giờ nhắc làng Lủ với nghề kẹo bỏng, nhưng ít người biết làng Lủ còn một nghề nữa đó là làng nghề bánh đa khoai lang. Trai làng Lủ (Đại Kim) thường quanh năm ngồi bệt giã khoai lang nên tay thì như cái phích còn chân lại như ống sậy thế nên "của ấy" có dát vàng cũng vứt... Những chuyện này tôi sẽ kể vào một dịp khác. Làng Lủ với Định công bây giờ toàn những biệt thự long lanh và chung cư cao tầng ngút mắt rồi.

    Bây giờ tôi kể chuyện cốm làng Vòng.
    **** *** ***
    Gọi là gom đôi mẩu còi cọc về một "Hà Nội nhà quê trong tôi" góp vui cùng mọi người xa gần...
  7. Em đi suốt Hàng Chiếu mà ít khi để ý ô Quan Chưởng vì thấy phục chế trát xi măng mất hứng.. thì ra lịch sử hay quá.. hí hí 😉😎😎.. cảm ơn bác..
  8. Ngày bé tôi sống ở Đào Duy Từ, vẫn thường lang thang Chợ Gạo, Hàng Chiếu, Hàng Buồm, Mã Mây, Ngõ Gạch...Ô Quan Chưởng ngày đó còn vẻ cổ kính, tường cũ rêu phong. Sau này sửa sang lại, quét sơn hay vôi gì đó thấy chán hẳn.
  9. Bg đọc của bác mới biết đc chút ít về Ô Quan Chưởng . Chứ nhà em ở gần đó, từ bé đến lớn cứ đi qua đi lại nhg chẳng bao giờ ngó ngàng đến nó 1 lần, đáng tiếc thật ! Cảm ơn bác!
Gửi bình luận

Sửa bài đăng