Tự Sự: Tết Về Rưng Rưng Hồi Ức

7/12/18
(iini.net) Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông anh chị em, tôi thấm thía cái mệt, cái lo của cha mẹ mỗi độ Xuân về.

Tết về rưng rưng hồi ức
Tết về rưng rưng hồi ức (ảnh: internet)

Quanh năm các con phải ăn cơm độn, thức ăn chỉ có rau, mắm, cà… chỉ lo sao cho ba ngày Tết có mâm cơm tươm tất cúng ông bà và cả gia đình được hưởng vài bữa ăn ngon, cha mẹ tôi phải lo từ những ngày giữa năm. Mua được mớ đậu xanh ngon, mấy ký gạo nếp vào đúng mùa gặt, phải cất giữ bảo quản sao cho đến Tết không bị ẩm, mốc để gói bánh chưng. Khoảng ngoài 20 tháng Chạp cha tôi bắt đầu mua lá dong, mua giang về chẻ lạt.
Tôi thường được phân công rửa lá dong, cha luôn nhắc “con rửa kỹ thì bánh ngon và để được lâu hơn, nhưng nhớ phải nhẹ tay kẻo rách, những mấy hào một cái lá đó”. Lá rửa xong lau khô và được bó vào cột nhà cho thẳng thớm. Ngày gói bánh, tôi dậy sớm cùng mẹ đãi đỗ xanh, rồi mẹ đồ lên, bố vắt thành từng nắm. Cứ một bát sắt gạo nếp (bát ăn cơm dùng trong quân đội, không hiểu sao lại có người gọi là “bát B52”), một vắt đậu bẻ làm đôi, ở giữa là thịt đã ướp muối, tiêu, hành thơm phức, rồi phía trên lại một bát gạo nếp…từng chiếc bánh hình thành trong sự náo nức của chị em tôi. Tuy nghèo nhưng năm nào nhà tôi cũng cố gói khoảng 10kg gạo nếp (được khoảng 10-12 chiếc bánh) đủ để “đoàn tàu há mồm” hoan hỉ đón Tết như mọi nhà. Những năm đầu, bánh chưng cứ bày trên bàn thờ, xong 3 ngày Tết làm lễ đưa ông bà tổ tiên đi rồi mới được bóc bánh nên chúng tôi thèm lắm mà chả dám kêu. Mấy chị em dù sao cũng được hít hà và nếm chiếc bánh thử con con mà năm nào cha cũng nhớ gói thêm cho lũ con chứ cha mẹ và ông nội thì đến mồng 3 mới được ăn bánh. Sau này, khi đến chơi thăm nhà họ hàng thấy gia đình các chú, các cô cứ cúng bữa nào thì bóc bánh bữa đó bày lên cúng rồi cho con cháu ăn, về nhà cha tôi cũng làm theo như vậy. Từ năm đó, cả nhà được ăn bánh chưng từ bữa cúng tất niên chiều 30 Tết. Câu nói đàn con mong đợi nhất mà bữa cơm tất niên nào cha tôi cũng nói là: “Các con ăn thoải mái đi nhé, muốn ăn món gì thì ăn, hôm nay không phải chia phần đâu”.

Nhớ về Ngày Tết xưa
Nhớ về ngày Tết xưa (ảnh: internet)

Tết đến, còn một nỗi lo lớn nữa của cha mẹ là may cho đàn con mỗi đứa một bộ đồ mới. Với bảy đứa con đó là một món tiền không nhỏ nên vải mẹ tôi cũng mua dần từ trong năm. Đi chợ, gặp cô nhân viên thương nghiệp được phân phối vài mảnh vải thừa mang ra bán là mẹ tôi tính toán ngay “mảnh vải hoa này Tết may áo cho cái N, mảnh xanh “sỹ lâm” đủ cái quần cho cậu con thứ 2…v.v.. Cứ thế góp nhặt từng tý một để đàn con có quần áo mới xúng xính với con người ta…

Ôi chao, cái sự ăn sự mặc của một thời gian khó giờ ngồi nghĩ lại sao mà xót xa và thương cha mẹ đến thắt lòng! Cha đã đi xa lâu lắm rồi, mẹ lụi cụi tuổi 80 vẫn nếp cũ phải lo sao cho mâm cơm cúng đủ các món như ngoài Bắc để chiều 30 đón các cụ về vui cùng con cháu. Tết giờ chẳng thiếu thứ gì, đi một vòng siêu thị là có đủ nhưng sao lòng mình luôn thấy thờ ơ…
Thèm trở lại ngày xưa, ngồi rửa lá dong trong một sớm mùa Đông rét mướt, lòng lâng lâng chờ nghe pháo nổ Giao thừa, chờ những phút giây tung tăng cùng lũ bạn đạp xe dưới trời mưa bụi. Lòng mình còn vậy, nên mình hiểu lòng những cụ già 80 như mẹ mình.
Ngày xưa ơi!...

Nguyễn Minh Nguyệt


Gợi ý bài viết liên quan:
  1. 1001 bài thơ Tết nhớ Cha Mẹ đã mất, thiếu hơi ấm ngày Xuân
  2. 1001 bài thơ Xuân Xa Quê hay, thơ ngày Tết nhớ cha mẹ và gia đình
  3. Chùm thơ tâm trạng, lo lắng về ngày Tết của người nghèo khó
Trịnh Thanh Biên
Trịnh Thanh Biên
Bạn vừa xem Tự Sự: Tết Về Rưng Rưng Hồi Ức trên trang web iini.net, được thành viên Trịnh Thanh Biên biên tập vào lúc 2018-12-07T06:52:00Z [nội dung đã được chỉnh sửa/cập nhật gần đây nhất vào lúc 2018-12-27T10:02:33Z].
Bạn có thể tìm thấy nhiều bài viết liên quan trong danh mục:
Hãy chia sẻ bài viết này lên mạng xã hội nếu bạn thấy hay nhé!
Chia sẻ lên Facebook
Có 4 bình luận cho bài viết "Tự Sự: Tết Về Rưng Rưng Hồi Ức"
  1. Ta luôn vậy mà. Đón xuân này lại nhớ xuân xưa.. Khi ta chưa biết đến lo toan. Bởi xưa ấy tuy nghèo khó ,nhưng bình yên và ấm áp...
  2. 10kg gạo ít nhất đc 20 cái bánh to đó!
    Không ai gói được cái bánh chưng bình thường to quá 0,5 kg gạo nếp đâu!
  3. Ngày xưa khổ nhưng cũng có rất nhiều kỷ niệm đẹp để nhớ đến tận bây giờ mà
  4. Một thời để nhớ, xúc động quá...
Gửi bình luận

Sửa bài đăng