Tản văn ngôn ngữ thời @ (ảnh: internet) |
Cái sự “ngắn đi” này nếu là ngày xưa có khi được ăn …bạt tai của bố mẹ vì theo các cụ chỉ có con nhà vô giáo dục mới ăn nói cụt lủn, trống không. Ấy vậy mà cũng có những người cỡ bằng tuổi tôi lại xem đó là một điều tất nhiên của cuộc sống mới. Cô ấy bảo: bọn trẻ nhà em quen kiểu Tây “yes”, “no” rất rõ ràng, chả cần thêm gì vào, em và ông xã cũng thấy quen (cần phải nói rõ là những đứa bé này trả lời bằng tiếng Việt chứ không phải đang nói tiếng Anh). Không hề áy náy và bực mình khi con trả lời bố mẹ chỉ bằng một từ “có” hoặc “không” mà cô ấy còn rất tự hào vì con cái mình theo kịp xu hướng thời đại, rất…cấp tiến và có tác phong công nghiệp.😥
Chắc tại sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho giáo nên tôi mắc bệnh…hay sửa lời ăn tiếng nói của con và lắm lúc chúng rất bực mình vì cái tính kỹ càng của mẹ. Có thể lúc đi với bạn bè chúng cũng rất thoải mái, nhưng khi nói với người lớn, chỉ sai sót một tý là bị mẹ chỉnh ngay. Không chỉ là lúc nói trực tiếp mà kể cả khi nhắn tin cho người lớn cũng không thể dùng những từ vẫn thường nói với bạn. Bản thân tôi, hồi còn đi làm khi bắt ống nghe điện thoại ở công ty lên bao giờ cũng xưng tên và hỏi: anh/chị/bạn cần gì ạ? Hoặc khi mình gọi điện đến một cơ sở khác trao đổi về công việc bao giờ cũng phải nói: làm ơn cho tôi gặp… (những từ mà giờ đây bọn trẻ bảo “rách việc, có gì thì nói đại đi, chào hỏi vòng vo cho tốn thời gian”. 😴😴
Chuyện nhắn tin qua điện thoại di động cũng vậy, tôi quan niệm đây là văn hóa dù chỉ là một vài dòng chữ ngắn ngủi. Lần đầu tiên nhắn tin cho cô giúp việc mới “ D ơi, tối nay cô bận rồi, con đến lau nhà dùm cô vào 3 giờ chiều được không?” tôi nhận được 2 từ trả lời “OK”. Hình như hôm nọ xem báo tôi có đọc được bài viết về nguồn gốc phát sinh ra 2 chữ OK. Quả là 2 chữ đó rất thuận tiện, có thể dùng để biểu hiện sự đồng ý của mình trong rất nhiều việc mà không phải dài dòng lôi thôi. Tuy nhiên dùng “OK” để trả lời người lớn khi nói tiếng Việt với nhau thì “bà già lẩm cẩm” là tôi lại bắt lỗi. Tôi dạy các con: một từ “Vâng” hoặc “Dạ” trong tin nhắn đánh máy lâu hơn từ “OK” nhưng nó thể hiện văn hóa, thể hiện sự tôn trọng với người đối thoại khi người đó lớn tuổi hơn mình. Mặc dù lúc đầu cũng kêu ca mẹ khó tính nhưng các con tôi vẫn chấp hành và từ đó không bao giờ dùng “OK” với những người không “bằng vai phải lứa” với chúng.
Em bé khoanh tay chào người lớn (tranh minh họa từ internet) |
Hồi mới vào Nam tôi rất ấn tượng với việc đến chơi nhà ai đó, khi con cái họ từ ngoài về đứa nào cũng khoanh tay “Thưa cô (chị) con (em) mới về”. Lúc nhỏ ở ngoài Bắc, tụi tôi được dạy khi đi đâu hoặc về nhà gặp người quen của bố mẹ phải chào hỏi cẩn thận. Nhưng khoanh tay trước ngực và “thưa cô/chị…” thì lần đầu tiên tôi nghe ở miền Nam. Sau này sống lâu trong Nam tôi thấy môi trường giáo dục ở đây còn nhiều nét tuân thủ theo thời phong kiến. Việc khoanh tay cúi đầu chào người lớn, bắt buộc mặc đồng phục khi tới trường, xưng với thầy cô là “con” chứ không phải “em” như ngoài Bắc…có thể một số người sẽ cho đấy là lạc hậu, giáo điều nhưng tôi lại rất hoan nghênh vì chính những điều đó mang lại nét đẹp văn hóa, sự lễ phép, trân trọng cần có của mọi lứa tuổi học trò với những người nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ các em.
Đến bây giờ (thời @ như mọi người vẫn quan niệm) những điều đó mai một đi nhiều. Trong trường phổ thông, không ít em nói bậy, chửi tục thậm chí là hành hung cả thầy cô giáo. Những gì là truyền thống, lễ giáo…đang ngày một mất đi mà một số người đổ lỗi cho cuộc sống hiện đại con người phải quay cuồng lo chuyện cơm áo không còn thời gian để lo việc khác. Tôi không tin điều đó bởi chính tôi cũng là một người mẹ có 2 con sinh ra và lớn lên trong “thời đại @”. Hỏi han chuyện học hành, chuyện quan hệ của con, lắng nghe những câu chuyện của chúng về bạn bè thầy cô trên lớp…không bao giờ là thừa. Và đừng ngại khi kiên quyết bắt con phải từ bỏ thói quen dùng một số từ ngữ mà mình thấy không ổn trong phông văn hóa của những người có giáo dục. Chính sự “khắt khe, khó tính” mà chúng gán cho mẹ sẽ làm cho chúng phải thận trọng hơn trong giao tiếp để trở thành những người lịch sự, được tôn trọng trong xã hội. Tuy vậy, mẹ cũng phải học một số từ để theo dõi kịp với các câu chuyện chúng trao đổi với nhau (ví dụ”: “muỗi” là chỉ những điều nhỏ nhặt, “vãi” chỉ những gì thái quá, “chịch” là hành động qu-an hệ t-ình dục, “ax” chỉ sự bất ngờ v.v… 😋 )
Ngôn ngữ Teen thời @ (tranh minh họa từ internet) |
Nhân bàn về ngôn ngữ thời đại mới, tôi cũng muốn nói đến một số những khái niệm ngôn ngữ thường được dùng nhiều trên các phương tiện thông tin. Trong khi nhiều người (nhất là giới trẻ) thường có xu hướng giản tiện lời nói thì các phương tiện thông tin lại có thêm nhiều cụm từ có vẻ…rắc rối. Thời chúng tôi người ta không gọi “người tham gia giao thông” thay cho “người đi đường”, “người có hành vi vi phạm pháp luật” thay vì “người phạm pháp”, “ hành vi mua hàng của người tiêu dùng” đơn giản là “khách mua hàng”…Thấy băng-rôn giao thông “Người tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm” tôi nghĩ là chưa chính xác. Sao không viết: “Phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy” cho dễ hiểu vì người tham gia giao thông còn có cả người đi bộ, người đi xe đạp, người đi trên ô tô…
Ui chao, thời @ có nhiều chuyện thật đau đầu. Viết đến đây thấy mệt quá rồi, xin phép mọi người cho tạm nghỉ. Nhà cháu đi tưới cây đây. Hổng biết tưới cây theo ngôn ngữ ngày nay gọi là gì nhỉ?😏😉🤔
Nguyễn Minh Nguyệt
Gợi ý bài viết liên quan:
Giới trẻ bây giờ không hề thông minh hơn thế hệ trước,có chăng chỉ là sự lố bịch ích kỉ thì hơn nhiều.
Lỗi này một phần do cuộc sống công nghiệp,một phần do người lớn chưa quan tâm đúng mức khi day dỗ trẻ lúc còn nhỏ
Một thực trạng buồn.