Tản Mạn Về Lòng Trắc Ẩn: Sống Ở Đời Cần Có Một Tấm Lòng

9/12/18
(iini.net) Tôi luôn dạy các con: trong cuộc sống phải có lòng trắc ẩn. Từ ngày các con còn bé, mỗi lần dẫn chúng đi chơi gặp người ăn xin hay hát rong bao giờ tôi cũng đưa tiền cho con tự tay mang đến trao cho họ. Tôi dạy con từ cách trao tiền, từ lời nói sao cho người nhận cảm thấy ấm lòng và không mặc cảm…Chính vì vậy khi lớn lên hai con tôi luôn thơm thảo với họ hàng, thương mến và giúp đỡ bạn nghèo trong mọi hoàn cảnh. Bản thân mình, dù không phải là Phật tử nhưng tôi rất tâm đắc với những lời Phật dạy và luôn tự nhủ mình phải mở rộng vòng tay với những ai cần sự cảm thông và chia sẻ.

Tản mạn về lòng trắc ẩn
Tản mạn về lòng trắc ẩn (ảnh: internet)

Lòng trắc ẩn thật cần thiết trong cuộc đời đầy rẫy những đau thương bất hạnh này. Có lòng trắc ẩn hay nhiều người còn vinh danh là “tấm lòng vàng” đã mang lại cho người khác sự an ủi, niềm tin và hy vọng để giúp họ có thể vượt qua những thời điểm khó khăn và có cuộc sống ổn định hơn. Lòng trắc ẩn không cứ phải là mang đến cho người khó khăn của cải vật chất mà nhiều khi chỉ là một câu nói cảm thông, một sự lắng nghe và thấu hiểu để người đối diện thấy mình được nhẹ lòng. Cuộc sống vốn dĩ đầy những biến động, đời người lúc nhẹ nhàng thanh thản, lúc cam go khó nhọc…đòi hỏi ai cũng phải lao vào cái vòng xoáy khắc nghiệt để sinh tồn. Đôi khi có những người vật chất của cải dư thừa nhưng lại cần một tình bạn chân thành, một tiếng nói tri âm, nếu có thể mang đến cho họ sao ta nỡ chối từ. Và thực tế đã chứng minh rằng người nào biết cách trao tặng và thường xuyên trao tặng chính là người hạnh phúc.

Thế nhưng – thật đáng buồn, trong cuộc sống không thiếu những kẻ lợi dụng lòng trắc ẩn của người khác để kiếm chác cho bản thân mình. Cũng như nhiều người, tôi đã từng là nạn nhân của các kiểu lừa như vậy. Nhớ nhất là lần đi khám ở bệnh viện Bình dân Sài Gòn. Vào khoảng năm 1993, lúc đó Trung tâm Y tế của cơ quan tôi chưa to lớn và nhiều thiết bị hiện đại như bây giờ. Ai bị bệnh kéo dài và ngoài khả năng giải quyết của tuyến dưới đều được cơ quan gửi lên thành phố Hồ Chí Minh để thăm khám và điều trị. Sáng hôm đó đang ngồi chờ trước phòng khám của BVBD bỗng tôi nghe một tiếng khóc nức lên của cháu bé bên cạnh. Nhìn sang tôi thấy một bé trai khoảng 8-9 tuổi đang ôm một người đàn bà mặt mũi tái xanh và run rẩy toàn thân. Đứa bé cứ gào lên: Mẹ ơi, mất hết rồi, mất hết tiền rồi lấy đâu tiền khám tim cho mẹ đây và khóc lóc thảm thiết. Người đàn bà gầy gò, ăn mặc như ở quê lên cũng khóc và kể lể: hai mẹ con ở tỉnh (?) lên khám tim, đang ngồi chờ siêu âm thì bị kẻ cắp lấy mất túi xách, mất hết tiền nong giấy tờ. Rồi bà ta cứ ôm thằng bé nức nở: con ơi tiền đâu mà trả tiền khám bệnh, siêu âm, tiền đâu mà đi xe về quê?...Nhìn cảnh đấy tôi không sao cầm được nước mắt. Trong túi còn bao nhiêu tiền, tôi lấy ra chỉ để lại đúng tiền khám còn thì cho hết, lại còn quay sang những bệnh nhân và người nhà của họ cũng đang ngồi chờ kêu gọi mọi người hãy thương hoàn cảnh của mẹ con chị này, ai có lòng hảo tâm ít nhiều gì cũng được giúp chị ấy kẻo chị ấy bị bệnh tim, mặt mũi tái xám run rẩy thế kia chẳng may mà xỉu ra đây thì khổ…Thế là nhiều người móc hầu bao. Phải nói thêm rằng BVBD ở TP Hồ Chí Minh thì đúng như tên gọi của nó – BV dành cho giới bình dân. Đi khám ở đây đa phần là tầng lớp có thu nhập thấp, bênh nhân từ dưới tỉnh lẻ gửi lên nên cũng chẳng ai có nhiều tiền mang theo. Thôi thì người mười ngàn, người năm ngàn, người vài chục…cũng được một “mớ” kha khá trong mũ của thằng bé. Tôi nhớ lúc đó có vài người chỉ thờ ơ nhìn mà không hề có ý muốn ủng hộ. Tuy không nói gì nhưng trong lòng tôi bất bình biết bao: sao lại có những kẻ keo kiệt và thiếu lòng nhân ái đến thế nhỉ? Nhìn người đàn bà và bé trai đã tươi tỉnh lại, cảm ơn mọi người và ra đi tôi thấy như trút được gánh nặng trong lòng. Cảm thấy thanh thản và có chút tự hào, tôi dõi theo bóng hai mẹ con mãi…Nhưng thật lạ kỳ, họ bảo cần tiền khám bệnh và siêu âm sao lại vội vã đi nhanh ra cổng như vậy? Khi nghe tôi thắc mắc, chị y công đang quét dọn thủng thẳng đáp: Ngày nào mà trò này chẳng diễn ra ở đây, có điều hôm nay nhờ có cô mà tụi nó kiếm được nhiều hơn thường lệ! Thật hết chỗ nói. Tôi trách chị: Sao chị biết mà không “nháy mắt” cho em, làm cho nhiều người ở đây mất tiền theo. Chị nói: Chỉ cần tui ra ra dấu là tụi nó đón đường trả thù đến chết, thôi thì việc ai người nấy làm, hổng dám can thiệp. Tôi nghe mà đau lòng. Thì ra cái xấu tồn tại được một phần cũng nhờ người ta muốn yên thân, không “dây vào” những chuyện không liên can đến mình. Tiền mất đi không tiếc mà tôi cứ tiếc mãi cho lòng trắc ẩn của mình đặt nhầm chỗ, hơn nữa vì mình “kêu gọi” nhiệt tình quá nên làm cho bà con (đa số trong đó là người nghèo) cũng bị mất tiền theo.

hành động đẹp về tình người
hành động đẹp về tình người (ảnh: internet)

Lại một lần, vừa mở cổng đi làm buổi chiều thì có một người đàn ông trạc 40-45 tuổi xăm xăm bước vào trình bày hoàn cảnh: ông ta từ miền Bắc vào tìm chú em làm việc trong này, nhưng chẳng may chú em đã chuyển đi nơi khác. Nhà nghèo chỉ đủ tiền mua vé vào tới Vũng Tàu, định nhờ sự giúp đỡ của chú em nhưng giờ không gặp, chẳng có ai thân quen để vay tiền về Bắc, từ sáng tới giờ đi lang thang đói quá đành phải vào liều, xin chị 20 ngàn đủ mua một đĩa cơm rồi tính tiếp. Nhìn ông ta khỏe mạnh, lại ăn mặc đàng hoàng có dáng như công chức chứ không phải người đi xin (vả lại đi xin thì chỉ xin thôi, còn cho bao nhiêu là tùy hảo tâm người cho, đằng này lại nói xin đủ 20 ngàn mua đĩa cơm) nên tôi đưa tiền ngay, ông ta nhận tiền bằng hai tay, còn cúi đầu cảm ơn rất lịch sự. Tôi cứ nhìn theo và ái ngại quá, sao lại có chú em vô tâm, chuyển công tác đi đâu không báo để gia đình tốn tiền, mất công vào đây nhỉ? Ngoài Bắc nhiều gia đình nghèo, kiếm đủ tiền tàu xe vào thăm người thân đã là khó lắm… Ai ngờ, sau đó cứ vài ngày lại có một người đến “trình bày hoàn cảnh”, ai cũng ở ngoài Bắc vay tiền vào Vũng Tàu tìm em (anh, chị...v.v.) mà đã chuyển đi chỗ khác, giờ mất liên lạc không có tiền về thì cả nhà tôi mới “té ngửa” vì bị lừa. “Ông xã” tôi cứ trêu: Nhà mình là địa chỉ từ thiện, nào nhà sư giả bán hương, người nuôi dưỡng trẻ mồ côi bán tăm tre, nào người già bị con cái đuổi, nào người Bắc thất lạc người thân, người bị bệnh không có tiền mua thuốc…ai ai cũng được mẹ tận tình giúp đỡ nên cứ bảo nhau tìm đến (!). Nghĩ vừa tức vừa buồn cười và đúng là các con cứ cười mãi vì thấy người ta lừa mẹ dễ quá. Thực ra nhiều lần khi gặp người cơ nhỡ xin tiền cũng thấy có điều gì không logic lắm trong sự trình bày của họ. Nhưng cứ nhìn những khuôn mặt thểu não (hay cố làm ra vẻ thểu não) ngước nhìn mình chờ đợi thì tôi lại không nỡ nào dập tắt niềm hy vọng nơi họ. Nhiều lần cứ tặc lưỡi: Thôi thì lỡ cho nhầm còn hơn hoàn cảnh họ tội nghiệp thật mà mình bỏ qua. Khi biết mình bị lừa, tiếc của thì ít mà thấy buồn vô cùng vì sao trong xã hội lại có những kẻ sống bằng việc lợi dụng lòng trắc ẩn của người khác? Bao giờ điều đó mới chấm dứt? Bao giờ thì tất cả mọi người biết đặt lòng tự trọng lên trên hết để sống trung thực hơn, để tình thương và vật chất của người hảo tâm đến được đúng địa chỉ cần giúp đỡ?

Giúp đỡ ông già ăn xin
Luôn mở lòng giúp đỡ những cảnh đời khó khăn (ảnh: internet)

Sáng nay thành phố biển có mưa, quả là thời tiết thất thường tháng Tư chẳng chừa một mảnh đất nào của phương Nam. Mưa, rồi nắng hửng lên, rồi lại mưa…Ngồi buồn mở nhạc Trịnh, nghe lại bài “Để gió cuốn đi” mà cứ âm vang mãi trong tôi câu hát SỐNG TRONG ĐỜI SỐNG CẦN CÓ MỘT TẤM LÒNG. Tự dưng nhớ lại vài câu chuyện cũ, viết ra đây như một đoạn ký ức buồn đã quên từ lâu bỗng dưng tìm về với cái trí nhớ lẩn thẩn của người …sắp già. Tự dưng nhớ lại và tự dưng cũng thấy mình…bắt đầu “hâm hâm” theo kiểu người già thích kể chuyện xưa rồi. Tuy nhiên từ lúc trẻ cho tới bây giờ hay sau này già hơn nhiều nhiều nữa thì lòng trắc ẩn vẫn không bao giờ mất trong tôi dẫu vì nó mà đôi khi cũng có hệ lụy buồn. Phải chăng cái triết lý của một gia đình trọng Nho học đã ăn sâu vào tâm hồn tôi từ những ngày còn thơ bé.
Quả thật SỐNG TRONG ĐỜI SỐNG CẦN CÓ MỘT TẤM LÒNG, dù là chỉ “để gió cuốn đi”…!

Nguyễn Minh Nguyệt
Có thể bạn quan tâm:
  1. Tản mạn về Tết Trung Thu của Ngày Xưa thật hay với kỷ niệm khó quên
  2. Chút tản mạn về Mùa Thu Hà Nội qua những câu ca, lời thơ hay
  3. Tản mạn Huế và Tôi - cảm nhận về Huế với những trải nghiệm riêng
Trịnh Thanh Biên
Trịnh Thanh Biên
Bạn vừa xem Tản Mạn Về Lòng Trắc Ẩn: Sống Ở Đời Cần Có Một Tấm Lòng trên trang web iini.net, được thành viên Trịnh Thanh Biên biên tập vào lúc 2018-12-09T12:13:00Z [nội dung đã được chỉnh sửa/cập nhật gần đây nhất vào lúc 2018-12-24T13:11:06Z].
Bạn có thể tìm thấy nhiều bài viết liên quan trong danh mục:
Hãy chia sẻ bài viết này lên mạng xã hội nếu bạn thấy hay nhé!
Chia sẻ lên Facebook
Có 4 bình luận cho bài viết "Tản Mạn Về Lòng Trắc Ẩn: Sống Ở Đời Cần Có Một Tấm Lòng"
  1. thích nhất bài viết này. cảm ơn tác giả
  2. Bạn viết rất hay và chân thật. Cảm ơn Nguyen Minh Nguyet đã kể những câu chuyện mà không ít người đã từng gặp, nhưng không hẳn ai cũng có cách suy nghĩ về sự việc theo hướng thiện như thế.
  3. Rất hay .
    Con người không có lòng trắc ẩn thì không biết nên gọi là con gì .
  4. Em cũng bị mắc rất nhiều lần, có lần này làm e nhớ mãi: hồi đó em đang là sinh viên đại học luật Hà nội. Mới năm đầu nên cũng ko rõ mấy chiêu trò này. Một tối đang đi dạo cùng bạn trên con đường trước cổng trường thấy một ông nằm bẹp trên một cái ván có bánh xe, ông í dùng hai tay đẩy ván đi còn phía sau e chỉ thấy một đống bùng nhùng quần áo. Ông í đẩy ván trước mặt giơ tay xin, lúc đó e rất thương nên lục túi biếu hẳn 10.000 đ. (Năm 99-2000). Hai đứa đứng nhìn ông đẩy đi một lúc rồi quay đầu bước tiếp. Chợt nghe tiếng la công an công an, bọn em quay đầu lại thì vừa lúc thấy ông kia vùng dậy tay cầm tấm ván chạy một mạch qua bên kia đường. Thật lúc đó hai đứa mắt chữ ở mồm chữ a luôn....
Gửi bình luận

Sửa bài đăng