Tản mạn: Bò chưa hẳn ngu đâu nhé (ảnh: internet) |
Trong một đàn bò thường có một con bò cái đầu đàn thường được đặt tên là Bầy. Con bò Bầy là con hiền lành, đĩnh đạc nhất trong đám, nếu để ý khi ăn nó gặm sát bụi cỏ, hết bụi này rồi tới bụi khác. Khi lùa đi ăn hay khi về chuồng, con Bầy luôn dẫn đầu đàn. Nếu con bầy bị lạc thì cũng an tâm vì nó sẽ tự tìm về với đàn ngay lập tức. Trái với con Bầy là con Lũ, con Lũ mắt luôn láo liên, không lo gặm cỏ mà hay săm xoi mấy đám lúa, bắp mì… và là đứa đầu têu, kích động làm cho đám bò nhảy lung lung khi nó hứng chí. Lũ còn là đứa hay dựa vào ách khi cày, làm cho con Bầy phải è cổ kéo phụ cho nó. Bò đực cũng vậy nhưng tên gọi lại là Xe hay Pháo.
Tranh vui với câu nói hài hước của Bò (ảnh: internet) |
Bò thường đa phần là rất hiền (chắc do nó ăn chay trường) và cũng khá tình cảm. Bò mẹ thường hay chăm con rất chu đáo, thường xuyên theo sát con và nhường mọi phần cho con từ lúc mới sinh cho tới lúc sắp sinh đứa khác. Nếu như chủ không tách thì bò mẹ thường cho cả hai anh em bú cùng lúc khiến cho chúng bị gầy sộp đi. Nếu như có ai đó làm thịt bò mà đàn bò nghe được mùi máu thịt cả đồng loại lập tức chúng rống lên cả ngày và không thèm gặm cỏ nữa. Bởi vậy, hồi trước người ta phải đem bò đi thật xa rồi mới làm thịt.
Bò khá thông minh vì nó hiểu được tiếng người, chẳng hạn khi đi cày người ta muốn nó rẽ qua phải, qua trái hay dừng lại thì có thể chỉ cần nói “dí, thá, họ” là nó hiểu ngay lặp tức. Khi kéo xe hàng trở về nhà, người chủ không cần phải hướng dẫn gì thêm mà có thể đắp chăn ngủ cũng được vì chúng tự động sẽ dừng ngay trước sân nhà. Nhiều nông trường, họ còn kêu bò về chuồng bằng tiếng kẻng hay trống, dĩ nhiên chúng đều chấp hành tuyệt đối. Nếu bạn chăm sóc một con bò từ nhỏ thì chúng luôn quyến luyến với bạn, chúng sẽ chạy tới mừng rỡ, nhảy cỡn lên như con chó mừng chủ.
Nữ sinh đi chăn bò (ảnh: internet) |
Nhưng mà thuần hóa một con bò cày được, kéo xe được thì chúng phải trả qua một thời gian thử thách rất ghê gớm mà người ta gọi là “vực bò”. Đầu tiên con bò được xỏ một sợ dây thép vào phần da mỏng ngăn giữa 2 mũi (có bữa đi thành phố thấy mấy cô gái cũng xỏ như vậy mà chưa biết để làm gì), rồi được móc chung cặp với một con bò to khỏe hơn để kèm. Lúc đầu, lẽ dĩ nhiên, con bò bị vực chống cự ghê gớm lắm: nó trợn mắt, lồng lộn, thở phì phò, phá ách, kéo dây.. đôi khi nằm lỳ kệ cho chủ muốn đánh chửi gì cũng được (người ta gọi là “bò mánh”). Những khi như vậy, chúng sẽ bị đâm vào xương sống hay đốt lưng cho phải đứng dậy tới khi nào chúng hiểu được chúng không còn con đường nào khác là phải lao động cùng với chủ mới thôi. Một thời gian sau khi vực, người chủ chỉ cần nâng ách hay gõ vào thùng xe là cặp bò tự hiểu mà chui đầu vào để đi làm giúp chủ.
Cũng như người, bò cũng được người ta xem tướng, tỉ như câu “đốm đầu thì bán, đốm trán để nuôi, đốm đuôi thì thịt” và coi xoáy lưng có trùng với xoáy bụng không vì nếu trùng chúng hay bị đau bụng không kéo khỏe được hay móng có khít với hay không, nếu như không khít thì con đó cày đất cứng không được bởi đất cục sẽ cấn vào kẻ chân làm đau chân chúng. Và nhiều cách coi khác nữa mà giờ chắc chẳng ai còn nhớ...
Cô gái chăn bò (ảnh: internet) |
Bây giờ không còn nhiều cánh đồng như trước nên bò cũng ít đi, kéo xe, cày đất đã được cơ giới hóa nhiều nên nhà nông không nhất thiết phải có bò như trước. Bò bi giờ nhiều con không biết ăn cỏ vì chúng được nuôi bằng thức ăn tổng hợp và bị bóp dzú suốt ngày…
Nguyễn Hữu Hưng
Gợi ý bài viết liên quan: