Kể Chuyện Đời: Phía Sau Một Cuộc Chiến (ảnh: internet) |
Năm 1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam được kí kết. Sau những trận huyết chiến ở điểm cao O Duệ, Con Gà, 224... trên mặt trận Thừa thiên- Huế, những người lính từ hai phía đều đã ớn lạnh bởi những trận bom pháo khủng khiếp, những trận giáp la cà mà người cả đôi bên đều không muốn. Khi nghe tin “hòa bình”, từ dưới các chiến hào đầy mùi thuốc súng, đất tơi vì pháo dập như thửa ruộng mới cày bừa xong, nhầy nhụa máu là máu, những người lính giơ cao súng hô vang “Hòa bình rồi!” Và họ ôm nhau mà nói rằng: “Hòa bình rồi, hết đánh nhau rồi, chúng ta sống rồi”.
Sau đó đơn vị phiên chế lại, mình được điều về tiểu đội 2 thuộc C9, K6 sư 324. Vừa về đơn vị mới chân ướt chân ráo lão Thực, tiểu đội trưởng của mình đã phân công bọn mình phải đi chặt gỗ, nứa, đánh tấm cỏ gianh làm “Nhà hòa hợp”, là nhà để hai bên trong lúc ngừng chiến lấy chỗ đi lại. Vài ngày sau, tại các nhà “Hòa hợp” thường xuyên có mặt của các sĩ quan, binh lính của cả hai bên. Ở chốt Rơi Xoong, đơn vị mình phối hợp với địa phương quân và các o du kích đưa quà tết ra mời binh lính cộng hòa, Lão Thực tay cầm chai rượu, miệng xuất khẩu thành thơ:
Tôi có chai rượu quê,
Của mẹ tôi gửi theo quà tết,
Bây giờ chiến tranh kết thúc
Chúng ta hòa hợp uống chung!...
Nhạc sớm nay là khúc nhạc hòa bình,
Lời chung kết là bài ca hòa hợp,
Người lĩnh xướng là toàn dân tộc,
Trong đó có tôi và anh!...
Khát vọng hoà bình của người lính là vậy, họ muốn gạt bỏ mọi hận thù, gác súng - bắt tay nhau làm ăn, xây lại một cuộc đời mới. Cũng vì khao khát hòa bình mà phía quân ta cấm nổ súng (khi chưa có lệnh) và quán triệt đến từng chiến sĩ rằng: “Vũ khí trong tay chúng ta lúc này là bản Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.”
Trong khi đó chính quyền Nguyễn Văn Thiệu luôn kêu gào “tràn ngập lãnh thổ”. Kêu gọi các đơn vị quân lực Việt Nam cộng hòa hãy đốc quân đánh chiếm, “ai không chấp hành quân lệnh bắn bỏ...” bên tuyên úy và an ninh quân đội Sài Gòn ngày đêm xoi mói, kích động chỉ huy các đơn vị nhổ cờ, nổ súng, lấn chiếm đất và tổ chức lôi kéo dân từ vùng giải phóng vào vùng địch chiếm giữ.
Phía ta lại cố giữ hòa khí, tránh đụng độ. Tại nhà “Hòa hợp” của đơn vị, lão Thực thường xuyên có mặt, nhu yếu phẩm cung cấp cho đơn vị, nhất là những nơi có nhà hòa hợp là điểm nóng được bổ xung khá nhiều, các cấp cán bộ mỗi lần đón khách từ phía bên kia sang đều đem bánh kẹo, thuốc lá Thủ đô, Điện Biên, bia Trúc Bạch, ảnh Ái Vân, đến cả dép cao su, mũ tai bèo (là kỷ vật mà lính cộng hòa rất thích)... ra mời, viện nhiều cớ để tổ chức liên hoan, tặng quà, biết tâm lý của binh lính Sài Gòn mỗi lần về phép nếu có quà quân “Bắc Việt” tặng là được người nhà, bạn bè coi như “người hùng” mà vật chứng là đôi dép cao su, thuốc lá Thủ Đô, Tam Đảo, ảnh “người đẹp Ái Vân”. Thậm chí có anh còn lén nhặt cả vỏ bao thuốc lá Thủ đô, Điện Biên... đề ngày tháng “nhậu cùng Việt Cộng” dấu vào áo để chờ ngày được về quê đem khoe.
Trong những ngày này, trừ những lúc canh chốt ra, thời gian còn lại lão Thực luôn có mặt ở ngôi nhà hòa hợp, lão rất hứng chí khi được nói chuyện cùng đám binh lính phía bên kia với đủ các câu chuyện: chuyện nhà cửa, vợ con, mẹ già ở quê… và luôn mồm hỏi có ai quê Phan Thiết không? Mỗi khi gặp lính cộng hòa nào xưng quê Phan Thiết là lão mừng ra mặt, hỏi han cặn kẽ như gặp đồng hương vậy.
Nhưng ngôi nhà hòa hợp chỉ được tồn tại cho đến khoảng ngoài Rằm tháng Giêng năm Qúy Sửu là chấm dứt bởi phía bên kia phá hoại hiệp định, nhổ cờ, nổ súng đánh lấn chiếm đất, chiếm dân… Mộng hòa bình, chấm dứt chiến tranh thế là hết. Những ngày này mình thấy lão Thực buồn ra mặt.
Đêm về nằm cùng lán, mắc võng cạnh nhau hay những ca gác đêm trên chốt, lão hay tâm sự với mình về quê hương, về gia đình, về người yêu, về mẹ và chị của lão ở miền quê Dục Tú huyện Đông Anh ngoại thành Hà Nội, đặc biệt lão hay day dứt và đặt câu hỏi: “Tại sao cùng là người Việt với nhau cả lại cứ phải bắn giết nhau?”, và lần nào cũng vậy, mỗi khi anh em nói chuyện với nhau lão lại đem câu hỏi đó ra hỏi mình. Mình nói: “Đèo mẹ đã là chiến tranh, một mất một còn mình không bắn nó thì nó bắn tan gáo mình ra, hết đường về với mẹ, thế mà cũng hỏi” lão lại trầm ngâm không nói gì và đôi mắt nhìn vào thinh không như vô hồn vậy. Và rồi cuộc đời của lão dần dần hiện lên trong mình theo mạch đầu cuối như sau:
Bố Thực làm nhân viên hỏa xa ở ga Phan Thiết, năm 1953 mẹ Thực gửi hai chị em (chị 5 tuổi, em 3 tuổi) cho người em ruột để lặn lội vào Phan Thiết thuyết phục bố Thực xin ra Hà Nội cho gần gia đình, chuyến đi định mệnh ấy ai ngờ kéo dài hơn hai mươi năm xa cách chị em Thực trong cuộc đời của mẹ. Chị em Thực ở ngoài Bắc được ông cậu đùm bọc nuôi nấng, dạy dỗ như con đẻ trong nhà. Năm 1970, Thực và em con cậu học hết lớp 10, năm ấy vào đại học chỉ xét tuyển không phải thi, nhưng nhà chưa có ai đi bộ đội nên không được vào đại học, Thực xung phong đi bộ đội để giành phần đi học cho em. Thế rồi cuộc đời chiến binh, đã khiến Thực lăn lộn trận mạc suốt từ khi đi B cho đến thời điểm hòa hợp ở mặt trận Thừa Thiên- Huế mà không hề dính thương tật nặng nào ngoài cái tai bị nghễnh ngãng do mấy lần bị sức ép của bom, pháo.
Năm 1954, hiệp định Zơneve chia cắt hai miền đất nước, giai đoạn đầu vẫn còn có những cánh thư giữa hai miền được gửi qua lại, sau đó qua những thông tin ít ỏi khi hai miền đã thực sự bị chia cắt bởi chiến tranh, Thực được biết ở trong đó lão đã có thêm 3 đứa em là thằng Thà, thằng Đôn với cái Hậu. Những lần tâm sự với mình, Thực hay tự hỏi rằng: “Không biết thằng Thà, thằng Đôn nhà tao ở trong ấy có phải đi lính cộng hòa không?”, và nếu nó có bị bắt lính thì có cùng mặt trận Thừa Thiên – Huế với tao nhưng ở chiến tuyến bên kia không? Đến đây thì mình đã hiểu tại sao Thực luôn đặt câu hỏi “Tại sao cùng là người Việt với nhau cả lại cứ phải bắn giết nhau?”.
Rục rịch chuẩn bị vào chiến dịch mùa xuân, một hôm Thực nói với mình đời lính chúng mình có cái chó gì đâu, nhưng dù sao cũng nên giữ lại những gì gọi là kỉ vật, tao chỉ có cái gói nho nhỏ này nhờ mày giữ, chiến tranh, trận mạc ai lường được chữ ngờ, nhỡ tao có mệnh hệ gì thì mày tìm về nhà tao đưa cho chị tao, và ngược lại mày có gì không thì đưa tao giữ hộ.
Tháng 3 năm 1975, chiến dịch mùa xuân bắt đầu đúng 5g45 phút sáng ngày 8-3, đại đội mình là mũi chủ công đánh chiếm cao điểm 303 nơi đó địch bố trí liên đoàn 15 biệt động quân, tiểu đoàn 2 (trung đoàn 54), các chi đoàn thiết giáp 27, 37 để phòng thủ (do tướng Lâm Quang Thi - QLVNCH chỉ huy toàn mặt trận). Sau loạt pháo dàn cấp tập mở màn chiến dịch, khi pháo ta chuyển làn, bộ binh bắt đầu tấn công vào cao điểm, do sương mù dày đặc nên việc triển khai đội hình lúng túng, hiệp đồng không tốt, có bộ phận đi lạc đường, có mũi không vào đúng mục tiêu được phân công, mở cửa mở chậm nên bị địch phát hiện dùng hỏa lực, công sự vững chắc chống trả quyết liệt và bịt cửa mở. Đến đợt xung phong thứ năm thì chiến sĩ trung liên RPD hy sinh, Tiểu đoàn trưởng Thời trực tiếp ôm RPD dẫn đầu đội hình tiến lên và rồi ngã gục ngay sau đó, Thực lao đến giằng khẩu trung liên lao lên được chừng mươi mười lăm mét thì lãnh trọn một quả cối 81, người nát bét bị xé ra thành từng mảnh bay tung tóe bên khẩu trung liên cong queo cạnh đấy. Đến 10 giờ, do thiệt hại quá nhiều về quân số, không đủ sức tiếp tục chiến đấu, K6 được lệnh tạm dừng tiến công rút về hậu cứ.
Sau khi chiến tranh kết thúc, tháng 10 năm 1976 mình được ra quân, việc đầu tiên là tìm về Dục Tú, Đông Anh, hỏi nhà bác Đông (tên ông cậu của Thực). Ông cậu Thực lật đật từ trong nhà ra đón mình, vào nhà thấy trên bàn thờ treo bảng liệt sĩ Lưu Văn Thực được Tổ quốc ghi công, mình bỗng hoa cả mắt và hình ảnh từng mảnh xác của Thực bay trên nền khói pháo bên cạnh khẩu trung liên cong queo ở cao điểm 303 lại hiện về trong mình. Nói chuyện với gia đình, mình không dám kể cụ thể cái chết tan xương nát thịt của Thực mà chỉ nói bị trúng đạn rồi hi sinh thôi, sau đó mình trao lại cho chị Hiền của Thực cái gói nho nhỏ, trong đó là tấm ảnh đen trắng cỡ 6x9 cm chụp ba mẹ con Thực trước khi mẹ Thực vào Phan Thiết, cái khăn dù pháo sáng, và một khăn mùi xoa thêu hai con chim bồ câu đang ngậm một cánh hoa hồng.
Những năm mới ra quân, cứ vào ngày 27/7 bọn mình thường sang Dục Tú thắp hương cho Thực, sau này đi học, đi làm rồi cuốn theo công việc nên cũng thưa dần những lần sang Dục Tú, mãi đến năm 1990, một lần sang công tác bên Nhà in Sách giáo khoa Đông Anh, mình ghé qua nhà Thực chơi thăm ông cậu và để thắp cho Thực một nén nhang. May sao gặp cả chị Hiền cũng vừa trong Phan Thiết ra chơi (gia đình chị Hiền đã chuyển vào Phan Thiết từ mấy năm nay), nhìn lên bàn thờ không thấy bằng Tổ quốc ghi công đâu, mình hỏi thì được biết ông cậu Thực đã gửi bằng Tổ quốc ghi công vào Phan Thiết cho Bố mẹ Thực giữ. Nhưng thủ tục sang tên quyền sở hữu tiền liệt sĩ hàng tháng cho mẹ Thực ở Phan Thiết thì không chuyển được vì bên TBXH nói bác Đông là người đỡ đầu nuôi Thực từ nhỏ nên không thể chuyển cho ai khác dù đó có là mẹ đẻ nhưng không có công nuôi dưỡng. Câu chuyện qua lại với bác Đông và chị Hiền mình được biết, thằng Thà em ruột Thực sinh năm 1954, đến 1972 vừa đủ 18 tuổi thì bị bắt quân dịch, là lính bộ binh, xạ thủ số 2 trong khẩu đội hỏa lực cối 81 thuộc sư đoàn bộ binh số 1 mặt trận tiền tiêu Thừa Thiên – Huế do trung tướng Lâm Quang Thi chỉ huy, cũng vào chinh ra chiến liên miên không hề dính thương lần nào, ấy thế mà trong trận cuối cùng vào đầu tháng 3 năm 1975 phòng thủ ở một cao điểm nóng bỏng ngoài Huế nó bị dính đạn thẳng chết ngay tại trận địa.
Năm 2009 có dịp vào Phan Thiết, mình hỏi địa chỉ đến thăm bố mẹ Thực và chị Hiền, bố Thực đã mất từ 2001, chị Hiền nói mẹ từ ngày biết tin hai giọt máu của mình chết trên cùng chiến địa Thừa Thiên – Huế (mà cả hai đều không biết phần mộ nằm ở đâu) đã trở nên trầm cảm, ngày nào cũng vậy, bà lại mở cái hộp gỗ khảm xà cừ (cái hộp mà thời còn trẻ bà thường đựng những đồ quý giá nhất của gia đình), lấy từ trong đó ra hai di ảnh của Thực và Thà ra vừa ngắm vừa khóc, rồi nói chuyện với hai bức ảnh ấy có khi cả ngày không thôi. Tội nghiệp mẹ quá em ạ.
Phía Sau Một Cuộc Chiến (tranh của tác giả) |
P/S: Chính vì được biết chuyện của gia đình Thực, và cái hình ảnh MẸ hai tay cầm hai di ảnh của hai đứa con do mẹ rứt ruột đẻ ra đã ngã xuống trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn trên cùng một mặt trận, là cảm xúc để mình vẽ bức tranh có tên “Phía sau một cuộc chiến” này. (Chất liệu sơn dầu, kích thước (100x110), năm sáng tác 2014.
Tạ Trí
Gợi ý bài viết liên quan: