Vểnh tai lên mà nghe tui chửi (Mạn đàm về cái sự Chửi). |
Chẳng có tài liệu nào ghi chép về cái sự chửi xuất phát từ nước nào đầu tiên, hay nước nào có số lượng người chửi nhiều nhất.
Nhưng tôi đồ rằng: nước ta có số lượng người biết chửi sẽ là vượt trội. Cái sự chửi có lẽ bắt đầu từ lúc chú Cuội lên cung trăng, cho đến bà mất trộm gà trong dân gian, đến anh Chí Phèo của làng Vũ Đại. Vượt qua rất nhiều mốc thời gian đến thời đại bốn chấm không bây giờ.
Nhờ công nghệ phát triển, xuất hiện những "thánh chửi". Và cũng chính bởi không biết ông tổ của ngành chửi là ai? Nếu không "thánh chửi" Bắc Ninh với lại cái chị gì đấy ở hải ngoại, có lẽ phải lạy chung một ông Tổ. Hoặc nếu có một cuộc tỉ thí so tài, thì chưa chắc ai đã ăn thua. Có khi còn đầu rơi máu chảy.
nhân vật Chí Phèo (ảnh trong phim) |
Về cái sự chửi của bà mất trộm gà trong dân gian thì có lẽ đó là bài chửi hay nhất trong lịch sử dân tộc. Mà bây giờ các bà hàng tôm hàng cá nếu có chỉ là ...dị bản.
"- Mẹ cha đứa nào ăn cắp gà nhà bà.
Mày đi đằng Đông, mày chết đằng Đông
Mày đi đằng Tây, mày chết đằng Tây.
Con gà nó ở nhà bà thì nó là con Công, con Phượng. Nó về nhà mày thì nó là con Cú, con Quạ, con thành banh đỏ mỏ."
... Vân vân và vân vân...
Hay như thế,
Nên Thơ như thế.
Thì ai dám bảo những người chửi là nanh nọc? Nếu chửi là một nghệ thuật, thì người chửi cũng phải là ... Nghệ sĩ.
chửi nhau. |
Thuở còn trẻ ranh, lũ chúng tôi ngày ấy khoái nghe chửi. Ở làng có một bà lão chửi rất hay, mà chúng tôi vẫn gọi là "xứ Đoài đệ nhất chửi" bà chửi có bài bản, tiếng chửi cứ lảnh lót như chim họa mi. Chỉ nghe thôi mà thấy sướng cái lỗ nhĩ.
Nghe mãi rồi quen
Quen rồi thích
Thích rồi nghiện lúc nào không hay.
Thành thử ra cứ lâu lâu không được nghe bà chửi, lũ trẻ ranh chúng tôi lại túm năm tụm ba, kéo đến trước cổng nhà bà, xịch chó cho nó cắn, rồi tất cả cứ rúc đầu vào bụi tre mà ...nghe chửi.
Bà chửi thế này:
"Cha tiên sư bố nhà chúng mày.
Lũ chết đâm dầm nước mắm.
Chết khắm không ai thương.
Chết trương không ai vớt"
...........
Đại loại là thế !
Hay là thế. Điều thú vị là bà lão lại chẳng có học vấn trình độ gì sất. Chỉ là hồi cải cách, chính phủ cho học "bình dân học vụ" biết sơ sơ mấy chữ cái. Thế mới tài.
Bất giác tôi liên tưởng đến cái sự lên ngôi của Facebook và mạng xã hội như hiện nay. Có một số những người, banh óc ra nặn từng câu chữ, ghép vần lại thành Thơ, cốt làm đẹp cho đời, thì lại chả mấy người quan tâm. Thua xa rất nhiều những tay chửi thô tục quăng lên mạng, người ta xúm xít vào hùa. Rồi khen lấy khen để, lượt like, rồi comment tăng chóng mặt.
Thế mới biết, cái sự chửi nó hấp dẫn với con người ta như thế nào?
Tủi cho các Thi sĩ nhà mình.
tranh biếm họa chửi nhau trên môi trường internet. |
Có một giai thoại: cái sự chửi của dân ta suýt nữa thì được quảng bá trên toàn thế giới, nghĩa là trước bà bán bún chửi ở Hà Nội cả nửa thế kỷ ấy chứ.
Số là thế này:
Vào những năm ở miền bắc bắt đầu có vụ khoán 10. Trước đây còn hợp tác xã thì ruộng bỏ khô, bỏ nẻ chả làm sao. Nhưng đến khi có khoán 10, ruộng nhà ai người nấy lo. Thành thử cái mương nước để lấy nước tát kia bỗng trở nên có giá. Hai bà nông dân giành nhau. Bà đi trước thì bảo của bà, bà đi sau thì nói rằng: bà đã xí chỗ từ đêm hôm trước. Các bà giành nhau, chả ai chịu nhường ai.
Họ nhảy bổ vào nhau, xỉa xói vào mặt nhau mà chửi "như hát hay", đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Dĩ nhiên là không có chuyện "giựt tóc, móc mắt" ghê rợn như các nàng nữ sinh thời nay.
Thế là có một anh Tây (Thuở đó chỉ có Tây Liên Xô). Chả hiểu mô tê răng rứa gì, anh ấy liền dừng xe lại và ...quay phim.
Anh liền giật một cái tít rõ hoành tráng, rồi đưa những lời bình lên tận mây xanh. Nào thì là: Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thật là kỳ diệu, khi mà người nông dân Việt Nam vừa hăng say lao động, mà vẫn tham gia văn nghệ.
Nghe nói cuốn phim suýt nữa thì đưa lên Đài Truyền hình quốc gia Liên Xô thời bấy giờ.
Rất may có một vị giáo sư gì đấy của ta phát hiện, đấy chỉ là một cảnh ...chửi nhau. Nên thôi.
Huých. Suýt nữa thì là ...
tranh biếm họa không văng tục, chửi thề. |
Cho đến giờ này thì tôi lại có một ước mơ, một khát khao cháy bỏng: nếu một ngày nào đó, chửi được tôn lên hàng nghệ thuật. Rồi UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể của nhân loại. Thì tôi sẽ quyết học hành để giành lấy cái chức "giáo sư chửi", nghệ sĩ nhân dân chửi, nghệ sĩ ưu tú chửi. Hoặc ít ra cũng phải là ...diễn viên chửi.
Hic
Một khát vọng điên rồ.
Đỗ Đức Thắng
Ps: tôi chưa được nghe gái Nam chửi!
Chửi cũng phải ra khoai, ra khúc
Chửi cũng còn tùy lúc, tùy nơi
Giống như hát, phải dzai hơi
Phải buông đúng nhạc, đúng lời… mới hay.
Chửi cho “chuẩn”, thời nay… rất hiếm
Đại đa phần, lấp liếm… chửi càn
Chửi “hay”, như gảy khúc đàn
Người nghe xong ngẫm, cũng man mác… buồn.
Chửi cũng phải, có khuôn, có phép
Đúng chủ đề, không gượng, ép, lan man
Lúc như, bờ đập… nước tràn
Khi nghe, như giọng trên “làn sóng xanh”.
Không những chửi, tròn vành rõ tiếng
Còn có chiêu, có miếng, hẳn hoi
Màn đêm rách toác tiếng còi
Nghe như “xé vải”, tiệt nòi… đối phương.
Chửi mà chuẩn, không đường… chối cãi
“Sâu” mà hay, ông “vải” cũng kinh
Đúng “bài”, ngay cả thần linh
Nghe mình chửi “xéo”, cũng kinh… vãi hồn.
Nghiêm cấm việc, vỗ “dzồn”… bì bạch
Kỵ tụt quần, rồi “thách”… chớ nên (!?)
Giữ hơi, để chửi được bền
Nhược như khản giọng, “bon chen” ích gì ?
Chửi một lượt, có đi không lại
Cấm câu giờ, lải nhải… chúng khinh
Chọn từ, phương ngữ, phải “tinh”
Được như thế “địch”, dám khinh dám nhờn ?!.
Khi xưa chửi, như hờn như trách
Chửi có chương, có phách có hồi
Ít khi chửi kiểu, nước đôi
Chửi chừng mấy bữa, xong thôi… làm lành.
Nay thời thế, vàng xanh lẫn lộn
Đời lắm người, vừa hỗn vừa hung
Thế nên, cần chửi đến cùng.
Ps : đấy chửi phải đạt đến leve max dư nài anh êi hế hế, à bài nài mình chôm của anh bạn.