Cùng tra "Từ điển Tiếng Nghệ" bằng bài thơ lục bát cực dễ nhớ

23/10/18
(iini.net) Nếu bạn không phải là người Nghệ An thì chắc có lẽ sẽ rất lạ lẫm, khó hiểu với những từ địa phương mà người dân Nghệ An thường dùng để nói chuyện với nhau. Và tôi cũng vậy!. Tôi có người bạn Nghệ An, mỗi lần đi chơi cùng nhau mà gặp người quen xứ Nghệ, là họ lại "xì xào" toàn tiếng Nghệ An rất "địa phương" làm tôi không sao mà hiểu được họ đang nói gì.

Trong 1 lần tò mò với người bạn về tiếng Nghệ, bạn ấy đã gửi tôi bài thơ lục bát giải nghĩa tiếng Nghệ dưới đây, và tôi tự đặt tên là "Từ Điển Tiếng Nghệ". Xin mời các bạn cùng xem qua để hiểu hơn về tiếng Nghệ nhé. Nếu từ nào còn thiếu, xin mời các bạn đóng góp thêm.

Cùng tra Từ điển Tiếng Nghệ bằng bài thơ lục bát cực dễ nhớ
Từ điển Tiếng Nghệ (ảnh: internet)

TỪ ĐIỂN TIẾNG NGHỆ

Con trâu thì gọi “con tru”
Con dâu thì gọi “con du” trong nhà
“Mấn” là “váy”, “ngái” là “xa”
“Đi mô?” để hỏi ai là “đi đâu? ”

“Nác su” ý nói “nước sâu”
“Trấy bù” để gọi “quả bầu” đấy nha
“Gác bếp” thì gọi là “tra”
“Lông cơn” thực chất đó là “trồng cây”

“Ra sân” thì nói “ra cươi”
“Đi nhởi” ý nói “đi chơi” ấy mà
“Chúng tao” thì nói là “choa”
“Các bạn”, thân mật gọi là “bọn bay”

“Tê” là “kia”, “ni” là “này”
“Mi” “mần” ý nói là “mày” “làm” thôi
“Chộ” là “thấy”, “nhác” là “lười”
“Mắm tôm” cứ gọi “ruốc bôi” đúng liền

“Đọi” là “bát”, ”nôốc” là “thuyền”
“Khủy chân” đích thị có tên “lặc lè”
“Đàng” là “đường”, “đấy” là “tè”
“Thế thôi” thì nói “rứa hè” là xong

“Rừng” là “rú”,“rào” là “sông”
“Ngá khu” tức thị “ngứa mông” thật rồi
“Mơ” là “mớ”, “thúi” là “hôi”
“Nỏ nhởi” ý nói “không chơi” đó mà

“Tê” là “kia, “tề” là “kìa”
“Cái môi” tên gọi “cái thìa” đó em
“Đánh nhau” – “đập chắc” nhớ liền
“Ra răng” là muốn hỏi em “thế nào”

“Ả” là “chị”, “tau” là “tao”
“Rứa” là “thế”, “răng” là “sao” đó mà
“Bổ” là “ngã”, “mả” là “mồ”
“Lọi cẳng” để nói đó là “duỗi chân”

Vải “đen” ắt hẳn vải “thâm”
”Trụt quỳn” ý nói “tụt quần” thế thôi
“Dốc” là “trôộc”, “đôộng” là “đồi”
“Mui” là để chỉ cái “môi” trước mồm

“Đầu” là “trôốc”, “hun” là “hôn”
“Ló” chưa hết là “Lúa” còn đấy em
“Ngượng” là “rầy” “thích” là “sèm”
Ai hỏi đến “lả” thì châm “lửa” liền

“Nỏ” là “không” nhé đừng quên
“Lá trù” chính xác là tên “lá trầu”
“Mắc” là “bận”, “mô” là “đâu”
“Ăn nể” , “ăn vã” như nhau cả mà

Có người gọi “bọ” là “cha”
“Nương” là “vườn”, “rẫy” gọi là “nương” thôi
“Bù rợ” “bí đỏ” đúng rồi
“Nước chè” quê bạn, quê tôi “nác chè”

“Nướng” là phải “náng” đó nghe
Gọi mang lọ “mói” thì bê “muối” liền
Trốc cúi” là “đầu gối” chân
Gọi “đài” múc nước phải cầm “gầu” ngay

“Chủi” là cái “chổi” đây này
Nói “rờ” thì cứ đưa tay mà “sờ”
“Lúc này” tạm nói là “dừ”
“Luộc kỹ gốc” nhé, “Loọc nhừ côộc” nha,

“Con ga” để chỉ “con gà”
“Con bê” choa nói đó là “con me”
“Con suối” cứ gọi là “khe”
”Châu chấu” ngoài đó, ở quê “cào cào”

“Hồ” nước được gọi là “bàu”
“Cá quả” cứ gọi “cá tràu” không sai
“Con người” thì nói “Con ngài”
”Cù cu” tên gọi của loài “bồ câu”

“tối” nói “túi”, “túi” nói “bâu”
“Con sâu” có chỗ gọi “trâu” thật mà
“Hổ bắt” thì nói “khái tha”
“Muỗi”, “giòi” thì gọi đó là “mọi”, “troi”

“Con ruồi” thì nói “Con ròi”
Bắt “tôi” “Nhúng” đít thì “tui” “trụng” quần
“Con giun” phải nói “Con trùn”
“Với chắc” có nghĩa là cùng “với nhau”

“Lộ mô” có nghĩa “chỗ nào”
Nói “vo trôốc” là “gội đầu” đó em
“Gạo” thì gọi “gấu” đừng quên
Ai nói đến “trự” nhớ liền “chữ” ngay

”Chạc” là để chỉ cái “dây”
Nói đi “đâm” gạo hiểu ngay “giã” rồi
Cả anh, em mẹ tới chơi
Đều chào là “cụ” thế thôi em ờ

“Sạu” thì phải hiểu là “ngô”
”O” là bác gái và “cô” đó mà
“Mẹ chồng” vẫn gọi “mụ gia”
“Ràn tru” phải hiểu đó là “chuồng trâu”

“Ròi bu” ý nói “ruồi bâu”
Hỏi nơi “rửa bát” là đâu “lộ chồ”
Gọi “vợ” là “gấy”nhớ cho
Nói “Nhôông” ắt hẳn chính là “chồng” thôi

“Dao khoắm” là “rạ” đúng rồi
Bảo đi lấy “toóc” thì lôi “rạ” về
“Ruộng” là gọi “roọng” đó nghe
“Anh nha” cứ nói “eng hè” là xong

“Suôn” là “thẳng”, “ngoẹo” là “cong”
“Nỏ mần răng cả” là “không việc gì”
“Gõ đầu” là “trọi trốc” mi
“Kệ tau” ý nói làm gì “mặc tôi”

“Trúp vả” để chỉ cái “đùi”
“Ả nậy” – “chị lớn” biết rồi chứ em,
“Ngong” là “ nhìn”, “coi” là “xem”
“Mệ va” – “chị ấy” mong em chớ cười

“Lớn” thì nói “nậy” thế thôi
“Lõi” ngô, lõi mít nói “cồi” đừng lo
“Cây cọ” choa nói “cơn tro”
Gọi “tắn”, gọi “tít” “rắn” bò “rết” ra

“Mạo” là cái “mũ” đó nha
Trong đó từ “rạc” nghĩa là “xác xơ”
“Anh” là “eng”, “cô” là “O”
“Mun” trong bếp củi là “tro bếp” mà…

Bài thơ lục bát giải thích về tiếng Nghệ mà bạn tôi gửi cho tôi đấy các bạn. Các bạn nếu có xem qua thì đừng quên share cho mọi người cùng xem cũng như góp ý để xây dựng bộ từ điển tiếng Nghệ thêm đầy đủ hơn nữa nhé! Xin cám ơn và chào tạm biệt!

nữ cổ động viên xinh đẹp của đội bóng Nghệ An
nữ cổ động viên xinh đẹp của đội bóng Nghệ An (ảnh: internet)

XỨ NGHỆ QUÊ CHA
Thơ: Hà Duy

Con hãy nhớ rằng Xứ Nghệ quê Cha
Dù có dưa cà quanh năm vất vả
Mảnh đất quê mình đó là tất cả
Nơi đã nuôi Cha khôn lớn, trưởng thành

Xứ Nghệ quê mình đọi nước chè xanh
Kẹo Cu Đơ mãi thắm tình đất mẹ
Cha đã ra đi từ thời trai trẻ
Để hôm nay đã có Mẹ và Con

Xứ Nghệ yêu thương sông núi nước non
Cha đưa Con về thăm quê Xứ Nghệ
Con nói rằng quê hương mình đẹp thế
Có bao điều Cha kể để Con nghe

Ta yêu quê mình giếng nước, bờ tre
Những buổi trưa hè sông Lam dịu mát
Ta cùng nhau nghe câu ca điệu hát
Ví dặm quê nhà tất cả yêu thương

Núi Hồng vươn cao bao nỗi vấn vương
Người đi xa mang tình thương nỗi nhớ
Ta lại cùng nhau đi tìm về tổ
Xứ Nghệ trong tôi gian khổ có nhau.

*** Mời các bạn xem thêm những bài thơ xứ Nghệ thật là hay nữa nhé!..

Trịnh Thanh Biên
Trịnh Thanh Biên
Bạn vừa xem Cùng tra "Từ điển Tiếng Nghệ" bằng bài thơ lục bát cực dễ nhớ trên trang web iini.net, được thành viên Trịnh Thanh Biên biên tập vào lúc 2018-10-23T01:34:00+01:00 [nội dung đã được chỉnh sửa/cập nhật gần đây nhất vào lúc 2018-12-28T15:25:46Z].
Bạn có thể tìm thấy nhiều bài viết liên quan trong danh mục:
Hãy chia sẻ bài viết này lên mạng xã hội nếu bạn thấy hay nhé!
Chia sẻ lên Facebook
Có 4 bình luận cho bài viết "Cùng tra "Từ điển Tiếng Nghệ" bằng bài thơ lục bát cực dễ nhớ"
  1. MÃI RỜI XA

    Ở quê mình xứ Nghệ nhớ nhiều không
    Bao kỉ niệm trong lòng còn ấm ủ
    Những hoài bảo cứ tìm về trú ngụ
    Nhỏ giọt buồn giấc ngủ cũng thành mơ ..

    Cả mùa đông gió lạnh phủ Trăng mờ
    Âu dĩ vãng tuổi thơ nào sót lại
    Đường duyên phận sao quá nhiều ngang trái
    Lối đi về khắc khoải lệ sầu riêng..

    Lời gió ru thay giọng hát mẹ hiền
    Tiếng nhắn nhủ người khuyên răn giữ vẹn
    Rằng gia cảnh cuộc đời con vung vén....
    ............
    ....Lại không còn ước hẹn mãi rời xa....
  2. SÔNG LAM - XỨ NGHỆ

    " Ai biết nước sông lam, răng là trong là đục
    Biết sống cuộc đời, răng là nhục là vinh"
    Câu ví xưa như một tấm chân tình
    Vừa mộc mạc, vừa mang "hình xứ sở"

    Quê xưa nghèo nhưng có dòng lam giang đó
    Bốn mùa cây trái, xanh mướt đồi nương
    Chè xanh xứ nghệ, xuất khẩu muôn phương
    “Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn” nổi tiếng

    Một vùng quê bị gió lào khắc nghiệt
    Vẫn thơm cam Xã Đoài, bánh mướt Diễn Châu
    Mực nhảy nướng, cháo lươn thành Vinh đó
    Những đảo chè lộng gió, đẹp như mơ

    Đồi hướng dương, khách nườm nượp ra-vô
    Biển Cửa Lò, cảnh tuyệt vời nhung nhớ
    Cửa Hội, Làng Sen, biết bao người về đó
    Ơi quê hương, ta luôn nhớ thầm mong

    Có núi non cao, có sông dài biển rộng
    Có lòng người chung thuỷ, một nắng hai sương
    Có câu hò ví dặm, hết giận rồi thương
    Ta tự hào sinh ra từ lòng đất nghệ!!!
  3. XỨ NGHỆ ÂN TÌNH

    Gặp gỡ nàng thơ tại Cửa Lò
    Trên vùng thắng cảnh đẹp như mơ
    Trời xanh bảng lảng làn mây lượn
    Biển biếc rì rào đợt sóng xô
    Buổi sáng trong lành bơi thoải mái
    Về đêm mát mẻ dạo tha hồ
    Giờ ôn kỷ niệm hè năm ấy....
    Xứ Nghệ ân tình...lại muốn vô

    13.10.2018
    Thi Hà
  4. Cha đưa con về thăm quê xứ Nghệ.Con nói rằng quê Hương mình đẹp thế. Có bao điều Cha nói để con nghe. Đọc xong sao mà ấm lòng đến thế,Con gái thật tuyệt vời,người cha đã trọn đời cùng con.
Gửi bình luận

Sửa bài đăng