Tản mạn về Tết Trung Thu của Ngày Xưa thật hay với kỷ niệm khó quên

17/9/18
(iini.net) Mời các bạn cùng xem qua bài viết tản mạn ngày Tết Trung Thu Xưa của bác Tạ Trí với những kỷ niệm khó quên, đầy cảm xúc về những lần đón Trung Thu khi hoàn cảnh đất nước còn đang rất khó khăn về kinh tế.

tản mạn trung thu xưa
tản mạn trung thu xưa (ảnh: internet)

TRUNG THU XƯA

Tác giả: Tạ Trí

Những năm 70-80 của thế kỉ trước, khi ấy cả nước đều khó khăn bởi chính sách ngăn sông cấm chợ, bất cứ cái gì từ miền Bắc vào miền Nam cũng có giá chênh lệch tỉ như bột mì, đường, thuốc trụ sinh, thuốc bổ, phim ảnh,… rồi từ miền Nam ra như vải phin in hoa Chợ lớn, mì chính, gạo, đường… cho đến buồng cau mua ở ga Bình triệu cũng đều có giá. Người người, nhà nhà đều tìm cách kiếm thêm, làm thêm để có đồng ra đồng vào cho bữa ăn đạm bạc của gia đình có thêm chút đỉnh váng mỡ trong nồi canh.

Cuộc sống gian khổ triền miên như thế nhưng với người dân Hà Nội, vào những ngày Tết dù nghèo đến đâu cũng không thể thiếu cái bánh chưng với cành đào, ngày Rằm tháng Tám cũng cố kiếm cho con cái bánh nướng, bánh dẻo nếu không thì cũng cái bánh xốp, cái kẹo Hải Hà… cùng với một vài thứ đồ chơi truyền thống như đèn ông sư, đèn ông sao...

đi mua sắm lồng đèn trung thu của ngày xưa
đi mua sắm lồng đèn trung thu của ngày xưa (ảnh: internet)

Quay lại những năm 50-60 khi mình còn bé, trước Rằm Trung thu cả tháng trời ba mình lo kiếm tre làm nan rồi cặm cụi chẻ tre làm khung, tìm mua giấy bản, giấy màu, giấy bóng kính… làm cho mình cái đèn kéo quân, đêm Trung thu thắp đèn lên, đủ độ nóng đèn quay tròn kéo theo đủ cả trâu bò, lợn gà, ngựa, cá,... được ba trổ bằng giấy rất công phu dán lên lớp giấy bóng kính bên ngoài của đèn kéo quân, chúng nối đuôi nhau chạy trông rất vui mắt, bọn mình cũng nắm tay nhau vừa reo hò, vừa chạy vòng quanh đèn vui thật là vui.

ảnh cửa hàng bán lồng đèn trung thu xưa
ảnh cửa hàng bán lồng đèn trung thu xưa (ảnh: internet)

Ngày xưa, khi rằm Trung thu sắp đến phố Hàng Mã lại sáng rực những đèn ông sao, đèn con thỏ, đèn ông sư, đèn xếp cùng với tiếng trống ếch, tiếng mõ quay tay… đặc biệt ngày ấy mình còn nhớ tàu thủy làm bằng sắt tây hàn thiếc, sơn màu xanh đỏ rất đẹp, tàu chạy bằng dầu tây, đốt lên nó sôi nước đẩy hơi ra tàu chạy phé phé trong bể nước cùng với tiếng reo hò hân hoan của lũ trẻ bọn mình.

những lồng đèn thời xưa được làm thủ công rất đẹp
những lồng đèn thời xưa được làm thủ công rất đẹp (ảnh: internet)

Lại nói về những năm khó khăn trên, hồi ấy anh trai mình có anh bạn thân nhà ở Hàng Mã, chuyên bán đồ chơi Trung thu và mặt nạ Tôn Ngộ không, Đường Tăng, yêu quái… hồi ấy chưa có mặt nạ bồi, chỉ có mặt nạ vẽ xanh đỏ lên bìa cacton, đóng cái đinh oze vào hai bên rồi lồng dây chun vào để đeo. Một hôm ba mình đưa cháu ngoại lên chơi chợ Hàng Mã về ông nói: “ Trên chợ họ vẽ mặt nạ xấu lắm mà bán rất chạy, hay nhà mình tổ chức vẽ mặt nạ rồi lên giao cho bạn Luận bán, chắc là được”. Nói là làm, ba mình vẽ mẫu mặt nạ rất nhiều loại và rất đẹp, cả nhà tập trung mua bìa cacton, làm dưỡng cho các loại mặt nạ rồi trổ khuôn tô màu, bạn anh mình lại cho kê cái bàn ở cửa để bán, tự sản tự tiêu mà.

Mẻ đầu tiên đưa lên bán vèo cái hết ngay với giá chỉ 2 hào đến 5 hào/cái.

cụ bà đi mùa lồng đèn về cho cháu
cụ bà đi mùa lồng đèn về cho cháu (ảnh: internet)

Phát huy khí thế, ba mình nói: “ Bây giờ người ta toàn vẽ mặt nạ Tôn Ngộ không, Đường Tăng, yêu quái… mình làm ngược lại vẽ mặt nạ công chúa thật xinh, gắn tí kim tuyến lên trán, cha mẹ nào có con chả muốn con mình xinh đẹp, nhất là ai có con gái thể nào cũng mua một cái để con mình đeo”. Thế là hai mẫu mặt nạ công chúa, mặt nạ em bé xinh xinh ra đời, kết quả thật không ngờ, 5 hào/ cái bán không kịp sản xuất, cả nhà mỗi người mỗi việc theo dây chuyền người kê khuôn khuân vẽ tóc, người vờn đôi má hồng hồng, người đục lỗ mắt, người điểm môi son, người gắn lông gà lên đầu công chúa, người rắc kim tuyến lên tóc bé xinh, người đột oze... nhộn nhịp suốt thời gian mấy tuần trước Rằm, tuy bận nhưng ai cũng vui.

ảnh múa Lân của ngày xưa
ảnh múa Lân của ngày xưa (ảnh: internet)

Trung thu năm ấy nhà mình thu được một món cũng kha khá, suốt tháng sau đó bữa ăn hằng ngày có thêm chút thịt cá, tươm tất ra trò, ai cũng bảo giá như Rằm Trung thu quanh năm thì hay biết bao nhiêu.

tranh rước đèn trung thu của ngày xưa
tranh rước đèn trung thu của ngày xưa (ảnh: internet)

Bây giờ vào mùa Trung thu, bánh nướng bánh dẻo đủ các hãng ngập phố phường, đồ chơi Trung Quốc át vía đồ chơi truyền thống, nó tràn ra suốt dọc Hàng Mã thậm chí thành cả một phố đồ chơi bán quanh năm ở Lương Văn Can.

Trung thu năm nay đang đến gần, chiều chiều ra sông bơi đi qua phố Hàng Mã vẫn nhộn nhịp và đông vui hơn ngày xưa nhiều lắm, đồ chơi lại phong phú, bỗng thấy một cặp bố mẹ cho con đi chơi chợ Rằm, con bé được bố công kênh trên vai đeo cái mặt nạ công chúa lại gắn thêm phía trên đầu cái vương miện lóng lánh kim tuyến chợt nghĩ lại Trung Thu xưa vẫn thấy thèm, thấy nhớ, thấy nao nao trong lòng…

mặt nạ Lão Tôn
mặt nạ Lão Tôn (ảnh của tác giả)

(Mặt nạ lão Tôn, một trong những mặt nạ hiếm hoi của những năm 80' thế kỷ trước do nhà mình sản xuất còn lưu giữ được đến tận bây giờ)

***Xem thêm:
  1. Thơ Tết Trung Thu
  2. Thơ Vui Chế Tết Trung Thu
  3. Truyện ngắn: Đêm Trung Thu xóm nghèo

Tạ Trí
Trịnh Thanh Biên
Trịnh Thanh Biên
Bạn vừa xem Tản mạn về Tết Trung Thu của Ngày Xưa thật hay với kỷ niệm khó quên trên trang web iini.net, được thành viên Trịnh Thanh Biên biên tập vào lúc 2018-09-17T07:59:00+01:00 [nội dung đã được chỉnh sửa/cập nhật gần đây nhất vào lúc 2018-12-18T15:22:34Z].
Bạn có thể tìm thấy nhiều bài viết liên quan trong danh mục:
Hãy chia sẻ bài viết này lên mạng xã hội nếu bạn thấy hay nhé!
Chia sẻ lên Facebook
Có 2 bình luận cho bài viết "Tản mạn về Tết Trung Thu của Ngày Xưa thật hay với kỷ niệm khó quên"
  1. Em thích bài viết này quá anh ạ.
    Xúc động và kỉ niệm quá vãng một thời chẳng quên được.
  2. Bao giờ cho đến ngày xưa bác Tạ Trí ơi. Bác khéo tay sao không tự làm mặt nạ và đèn kéo quân cho các cháu chơi .Tui đảm bảo các cháu rất hồi hộp và thích thú đấy
Gửi bình luận

Sửa bài đăng