Đêm Trăng Rằm ngồi nhớ lại kỷ niệm Tết Trung Thu thời chiến

14/8/18
(iini.net) Sáng nay đưa Chip đi học tiếng Anh, thấy không khí Trung Thu rộn ràng trên phố, cháu hỏi: “Bà ơi, bà có nhớ Trung Thu hồi bé của bà không? Bà kể con nghe đi!”. Khi nghe bà trả lời rằng tuổi thơ bà không có Trung Thu, cháu cứ thắc mắc mãi…

Đêm Trăng Rằm ngồi nhớ lại kỷ niệm Tết Trung Thu thời chiến
Tết Trung Thu xưa (ảnh: internet)

Tuổi thơ của thế hệ chúng tôi là những ngày chiến tranh khốc liệt, là những bữa cơm không đủ no, là lớp học tranh tre được bao bọc bằng những lũy đất dày chống bom ở nơi sơ tán. Hồi đó đa phần đã nghèo đói lại thêm cảnh đông con nên chỉ lo sao cho đàn con đủ ăn, đủ mặc, có chỗ “chui ra chui vào” là các ông bố bà mẹ thời chiến đã phải cực nhọc vất vả lắm rồi, còn ai nghĩ tới Trung Thu với cỗ bàn, đám rước đèn nữa.

Tôi nghe ông nội kể lại rằng khi bà nội tôi còn sống, năm nào đến Trung Thu bà cũng ráng làm một món gì đó để cả nhà cùng vui. Bánh nướng, bánh dẻo là những mặt hàng xa xỉ, con nhà nghèo chả ai dám mơ. Trung Thu nhà nội tôi là một nồi khoai xéo. Quê tôi rất nhiều khoai lang nên mùa thu hoạch bà con nông dân thường xắt mỏng, phơi khô để vào chum cất dành đề phòng ngày giáp hạt đói kém mang ra ăn thay cơm. Món khoai khô được những người ở thành phố nấu chung với đậu (hoặc lạc), nếp và đường đen. Khi khoai và các thứ đã chín mềm dùng đũa cả xéo nát rồi đơm vào khuôn nén chặt, cắt ra từng miếng vừa ăn vừa chiêu thêm ngụm nước chè xanh (cho đỡ…tắc cổ). Đó là “bánh Trung Thu” của nhà nghèo phố thị. Nghe nói cụ tôi là ông đồ Nho rất thích món khoai này, cứ mỗi Trung Thu cụ ăn 2 bát khoai xéo đầy và nhịn luôn vài ngày sau đó. Chẳng biết hồi cụ và bà nội còn sống thì nấu khoai xéo ngon đến mức nào chứ thời bọn tôi lớn lên, nhiều tháng cửa hàng lương thực bắt mua một nửa khoai khô thay gạo thì nhà nào cũng méo mặt. Món khoai khô nấu đậu (rất hiếm khi có thêm đường vì đường thời bao cấp cũng là món xa xỉ) trở thành món chúng tôi rất sợ, mấy chị em thường nói vụng với nhau “Báu bở gì món khoai xéo mà Trung Thu nào nhà bà nội cũng ăn nhỉ”

Cỗ Tết Trung Thu
Cỗ Tết Trung Thu (ảnh: internet)

Nhớ mãi Trung Thu 1968 vì đó là lần đầu tiên chúng tôi được nhìn thấy bánh Trung Thu. Năm đó, chiến tranh ác liệt, máy bay Mỹ liên tục thả bom bi nên bố tôi làm một căn hầm chữ A to, có nhiều ngách ngoắt nghéo và chị em tôi cùng mẹ hầu như suốt ngày phải ở trong hầm. Ấy vậy mà khi nghe trong làng có gia đình làm bánh sơ tán về và năm nay sẽ ra mẻ bánh đầu tiên, mẹ tôi bươn bả đi mua bằng được. Bà nói: tụi trẻ ở hầm nhiều xanh xao, gầy yếu nên phải bồi dưỡng cho chúng và để chúng biết bánh Trung Thu như thế nào. Sáng hôm đó bà mua về 4 cái bánh cất trên nóc tủ chờ tối Rằm mới cho lũ con “phá cỗ”. Khỏi phải nói nỗi vui mừng và thắc thỏm của tụi tôi. Đứa nào cũng đi ra đi vào, liếc mắt nhìn lên nóc tủ mà chẳng chịu ngồi yên trong hầm học bài hay chơi như mọi khi. Đêm 14, bỗng dưng mẹ tôi đau bụng đẻ (em thứ 5). Pháo sáng Mỹ rực trời, tiếng ì ùng bom nổ phía thành phố, đạn cao xạ chiu chít trên trời mà bố phải thồ mẹ bằng xe đạp xuống trạm xá xã. Rạng sáng 15 bố nhắn về mẹ đã sinh em bé và cho phép 4 “tên giặc đói” còn lại được ăn bánh Trung Thu không cần chờ đến tối. Miếng bánh dẻo nhân đậu xanh, mứt bí vừa bùi, vừa thơm lần đầu tiên được ăn sao mà ngon đến thế! mãi bao năm sau vẫn như còn đọng lại hương vị tuyệt vời mỗi khi chị em tôi nhắc lại ngày Trung Thu năm ấy. Sau này lớn lên, đi nhiều nơi, ăn biết bao của ngon vật lạ, Trung Thu về thử biết bao loại bánh đắt tiền như bào ngư, vi cá… vẫn không bao giờ tôi tìm lại được cảm giác thơm ngon của miếng bánh dẻo ngày xưa.

vui tết trung thu
vui tết trung thu (ảnh: internet)

Trung Thu là Tết thiếu nhi, nhưng ở nước ta nhiều người lớn lại xem đó là một dịp để quà cáp biếu xén mưu cầu tư lợi. Một hộp bánh Trung Thu đính kèm chai rượu ngoại hàng chục triệu đồng được các “loại đệ tử” tay xách nách mang nườm nượp đi trên phố vào dịp này sao làm tôi buồn đến thế. Từ bao giờ cái ngày của các cháu thiếu nhi bỗng biến tướng thành dịp để xu nịnh, mua quan tiến chức…Bởi vậy, cũng như một số người, tôi không còn thấy Trung Thu là một ngày đáng coi trọng nữa. Tối nay, cháu ngoại vẫn sang sân trường rước đèn, ăn bánh kẹo và xem múa lân. Mong sao trong mắt các cháu Trung Thu vẫn là một ngày vui, truyền thống và ý nghĩa trong suốt tuổi thơ của mình. Mong sao khi các cháu lớn lên sẽ không còn phải thấy cảnh người lớn ôm quà đến nhà sếp, không còn phải…thương cô giáo vì quá nhiều bánh Trung Thu không ăn hết phải “nhờ tụi con ủng hộ” như lời cháu kể rổn rảng chiều nay…
Mong lắm thay!

Nguyễn Minh Nguyệt
Gợi ý bài viết liên quan:
  1. Chùm thơ Tết Trung Thu hay, thơ vui rước đèn trong ngày Rằm Tháng Tám
  2. Thơ vui chế Tết Trung Thu bá đạo (họa ảnh rằm tháng 8 siêu hài)
  3. Chùm thơ Đón Trăng, Rước Đèn Trung Thu thật hay cho trẻ mầm non
Trịnh Thanh Biên
Trịnh Thanh Biên
Bạn vừa xem Đêm Trăng Rằm ngồi nhớ lại kỷ niệm Tết Trung Thu thời chiến trên trang web iini.net, được thành viên Trịnh Thanh Biên biên tập vào lúc 2018-08-14T18:53:00+01:00 [nội dung đã được chỉnh sửa/cập nhật gần đây nhất vào lúc 2018-12-06T18:08:56Z].
Bạn có thể tìm thấy nhiều bài viết liên quan trong danh mục:
Hãy chia sẻ bài viết này lên mạng xã hội nếu bạn thấy hay nhé!
Chia sẻ lên Facebook
Có 3 bình luận cho bài viết "Đêm Trăng Rằm ngồi nhớ lại kỷ niệm Tết Trung Thu thời chiến"
  1. Bà viết hay quá. Trung thu thời chiến chúng cháu không hình dung ra được 😀
  2. Bây giờ mà có món khoai xéo với đậu mà thưởng thức thì tuyệt quá chị ơi
  3. Trung thu bây giờ chỉ các quan là hưởng thụ, bố mẹ nghèo và thiếu nhi chả được gì chỉ thêm lo!🙀
Gửi bình luận

Sửa bài đăng