Chú nhỏ hơn mẹ 2 tuổi, da trắng trẻo thư sinh, tính tình hiền lành. Mẹ đen giòn, mình tròn cá trắm, khỏe mạnh, duyên ngầm và hát hay, chú luôn nhẫn nhịn, cười trừ khi bị mẹ ăn hiếp. Mẹ đúng chuẩn gái bắc bộ, tay chân thoăn thoắt, miệng nói tay làm, giỏi quán xuyến và… đanh đá!
Ông ngoại phản đối kịch liệt mối nhân duyên này. Lý do thì to chà bá: “Tao không thông gia với quân dã man!”
Ông ngoại là cán bộ nhỏ ở huyện nhà, phụ trách giữ tem phiếu. Gọi là cán bộ cho sang chứ toàn vác tù và hàng tổng, chả có lương lậu gì, dưng mà cũng oai ra phết. Hai dì của tôi là thanh niên xung phong, xông xáo tải hàng, tải đạn đâu tận miền trung, anh trai của ông ngoại thì từng là cán bộ nằm vùng thời chống Pháp, từng bị đi tù Côn Đảo trở về, nói chung là nòi kách mệnh, ông cụ tự hào lắm lắm.
Ngặt nỗi bố mẹ chú lại là tư sản nòi, con của đại địa chủ thời xưa. Chắc chỉ có các bác, các ông bà thời ấy mới hiểu hết những đắng cay, những chuyện khóc cười của chuỗi ngày “đấu tố địa chủ”. Cha mẹ chú tuy là con địa chủ nhưng phúc hậu, hiền lành, cả xã ai cũng biết. Lúc đấu tố chỉ bị một bà từng là con nuôi vu cho tội bóc lột, chả cần xác minh gì bà ấy liền được chia một mảnh ruộng khá to với cái cối xay bằng đá (sau này ông con giai của bà ấy bán hết, đuổi bà ra khỏi nhà).
Vì không “nợ máu nhân dân” nên cha mẹ chú chỉ bị tịch thu tài sản xung công và vẫn còn 1 cái chòi nhỏ che mưa nắng nhưng chú mãi mang ô danh con cháu địa chủ, chịu ánh mắt dè bỉu, khinh khi của người đời.
Mẹ kể, mỗi lần hai người hẹn nhau là cả đám con gái bạn mẹ phải giả vờ xin ông ngoại cho mẹ đi tập văn nghệ, rồi chui vào bếp nhà một trong các bà ấy, cả đám sẽ “rải quân” đứa ngoài cổng, đứa đầu sân, đứa ngồi cửa bếp, mẹ và chú ngồi trong bếp nói chuyện, nếu thấy ông ngoại đến là hát to “Vừng trời đông, ánh hồng tươi sáng bừng lên…”.
Ông ngoại rất tỉnh, nghe phong thanh là thế nào cũng vác đòn gánh đi tìm, có lần tìm được ở bếp nhà cô Liến, ông nện cả cái đòn gánh vào chân mẹ “Đánh cho mày chừa cái tật theo giai”. Chú đang trốn trong đống rơm chạy ra xin: “Bác đánh con đi, đừng đánh T”.
ảnh minh họa từ internet |
Không gặp nhau được thì hai người thư từ qua lại, nhờ mấy cô bạn đưa giùm. Tối tối dân quân tự vệ đi tuần, mấy cô ấy chuyền thư cho bạn làm trong đám dân quân ấy để đưa tới tay chú, chú viết thư trả lời đưa lại. Những cánh thư viết trên giấy bao xi măng cứ đi qua đi lại được nửa năm thì chú viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Lý do bởi vì chú không chịu được cảnh cha mẹ bị dè bỉu, bản thân bị coi thường vì là con địa chủ, nếu chú đi cha mẹ chú sẽ đỡ khổ nhục, nếu chú chết chú có thể gột được vết ô của gia đình.
Biết chú sắp lên đường nhập ngũ, ông ngoại khóa mẹ ở trong buồng, không cho ra khỏi cửa. Nửa đêm, dì Tư ăn trộm chìa khóa mở cho mẹ ra để tiễn chú đi sáng sớm hôm đó. Mẹ nói đã từng muốn chú trốn đi cùng nhau nhưng chú từ chối, chú bảo: “T còn gia đình, còn một đàn em nhỏ, tôi cũng nặng gánh, có lẽ kiếp này tôi đành nợ T”.
Chú đi một mạch đến ba tháng mới có cánh thư biên về cho mẹ, trong thư chú bảo: "T lấy chồng đi, con gái có thì, đừng chờ tôi”.
Mẹ khóc!
Kể từ khi chú đi, ông ngoại ráo riết tìm mối gả chồng cho mẹ, rất nhiều người hỏi mẹ đều từ chối, mặc cho ông bà ngoại đánh chửi vì phải ôm “quả bom nổ chậm” bao nhiêu năm rồi. Những cánh thư chú biên về cũng vẫn thưa thớt lắm, mẹ vẫn tranh thủ lúc nghỉ trưa trốn ông ngoại đi tìm mẹ của chú để cấy hộ bà vài đóm mạ, gánh giùm bà ít gánh lúa. Cũng có khi giấu diếm vài củ khoai dúi cho bà với mấy đứa em lít nhít của chú. Mẹ của chú coi mẹ như con gái, lúc nào cũng khóc khi gặp mẹ.
Năm mẹ hai mươi tư tuổi thì bố đến. Một chàng công tử đẹp trai ngời ngời, con của ông chủ tịch một huyện miền núi, tiếng kèn lá của bố làm nao lòng bao cô gái, bố lại là một tay đàn bầu có hạng. Mẹ vẫn ngúng nguẩy không ưng nhưng ông ngoại và bà ngoại đã quyết, sống chết gì cũng bắt mẹ nghe theo. Giữa lúc ấy mẹ lại nhận được thư từ chú, nói mẹ lấy chồng đi… Thế là mẹ ừ!
Biết tin mẹ lên xe hoa, chú gửi cho mẹ một tấm vải với hai chai dầu, khi quà cưới đến được tay thì mẹ đã sắp sinh chị cả. Tấm vải ấy mẹ may chiếc áo mới đầu tiên cho chị, bố chỉ cười mỗi lần nhắc đến: “Quà của người yêu cũ mẹ mày đấy, giữ cẩn thận nha con”
Giải phóng rồi chú vẫn chưa về, lại chiến tranh biên giới. Năm 79 gia đình chú nhận được tin báo tử. Chú nằm lại bên kia lằn ranh biên giới.
Mẹ khóc, vượt mấy trăm cây số về dự đám tang của chú ở quê nhà, đám tang với chiếc quan tài rỗng.
Năm 90, lần đầu tiên tôi được gặp mẹ chú trong ngày giỗ chú. Một bà cụ tóc trắng như cước, da ửng hồng, mắt buồn vời vợi. Bà lau tấm di ảnh chú, nước mắt lăn dài, bà cụ nắm tay mẹ tôi: “Nó đã bỏ u rồi, mày đừng bỏ u, con gái nhé!”
Bố tôi vẫn đến đốt nhang cho chú mỗi lần về quê ngoại, chúng tôi vẫn gọi bà là bà dù chả có liên quan máu mủ, bà vẫn cho chúng tôi bánh kẹo, ít trái cây mỗi lúc đi ngang nhà.
Năm 94, lần đầu tiên gia đình chú đi tìm chú nhưng không được. Chú vẫn nằm lại nơi đất khách, bên ngoài lằn ranh của quê hương.
Khi phong trào tìm mộ liệt sĩ rộ lên, các “nhà ngoại cảm” mọc lên như nấm, chú cũng được đưa vào danh sách đặc biệt được nhà ngoại cảm đi tìm nhưng đến lần thứ 3 vẫn thất bại. Khi thì là mộ người khác, lúc thì không thể dò ra một dấu vết, có lần đã đến đúng địa chỉ rồi mà vẫn không tìm thấy chú.
Năm 2004, một nhà ngoại cảm khẳng định sẽ tìm thấy chú, đã biết đích xác chỗ chú nằm. Nửa đêm một đoàn 5 người tức tốc bắt xe vượt biên giới. Trong cơn mơ chập chờn, nhà ngoại cảm đi cùng thấy chú đứng bên cây sao, cái cây mà một người đồng đội đã cắm xuống bên cạnh nấm mộ còn mới sau khi ông đặt chú nằm xuống. Chú nhìn người được coi là nhà ngoại cảm và nói “Đừng đi nữa, đừng tìm tôi, mẹ tôi đau lòng lắm”.
Xe dừng tại trạm tiếp đón, mọi người chờ sáng mai khởi hành vào rừng và chờ người đồng đội thất lạc của chú bắt kịp chuyến đi, người đã cắm cây sao bên cạnh mộ chú. Sáng sớm, nhờ nhiều nguồn chỉ dẫn khác nhau mà mọi người đã xác định đúng khu vực chú nằm, nhưng cả ngày vẫn không tìm thấy chú. Sẩm tối, người đồng đội của chú kịp thời có mặt, sau câu chuyện giữa ông và nhà ngoại cảm, tất cả liền bỏ cuộc và lên xe quay về.
Chú không muốn bị tìm thấy. Chú không muốn người thân đau lòng.
Trước khi nằm xuống chú đã bị thương nặng… cơ thể chú đã không còn nguyên vẹn…
Ngôi mộ của chú vẫn nằm giữa nghĩa trang quê hương, mấy chục năm vẫn là một ngôi mộ gió!
Chú ở nơi xa, an nghỉ nhé!
***Xem thêm: Chùm thơ tri ân và ca ngợi liệt sĩ, thương binh nhân ngày 27/07
Anna Mỹ Hạnh