viết về ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7 (ảnh: internet) |
Mỗi năm, cứ đến tháng bảy là trong đầu tôi lại văng vẳng những câu hát, câu thơ đại loại như: "Bài hát có trận đánh không quên bên đồi. Bài hát có người lính biên cương thương mẹ" - lời bài "Vết chân tròn trên cát" của Trần Tiến; hay "Cả cuộc đời, cha đi bộ đội, quà về cho mẹ là những vết thương trên thịt da, cứ trở gió lại đau nhức nhối" - lời bài hát "Mẹ" của Phan Long. Họ là những thương binh "tàn nhưng không phế"; hoặc
"Ai biết tên em thành liệt sĩ
Trên những hàng bia trắng giữa đồng
Nhớ em, anh gọi em đồng chí
Một tấm lòng trong vạn tấm lòng".
(Trích "Núi đôi" của Vũ Cao)
Mặc dù chiến tranh đã qua đi bao nhiêu năm, hoà bình đã được lập lại. Nhưng hậu quả mà nó để lại thì cứ âm ỉ, dai dẳng và vô cùng đau đớn. Nói như nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn:
"Nhưng giờ đây, có giây phút bình yên, sao tôi quên. Có giây phút bình yên sao tôi quên, sao tôi quên?" - lời bài hát "Bài ca không quên" - Phạm Minh Tuấn.
Đó là lòng biết ơn sâu sắc của những người đã tham gia chiến tranh may mắn trở về và cũng là nói hộ những thế hệ sau.
Cha ông ta đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, hy sinh xương máu, hy sinh gia đình và hy sinh bản thân.....Nói chung là họ đã hy sinh tất cả cho nền độc lập tự do. Không ít tấm gương tiêu biểu được ca ngợi như: ngọn đuốc sống Lê Văn Tám, Nguyễn Văn Trỗi, Bế Văn Đàn... Bên cạnh đó còn có những tấm gương còn rất nhỏ tuổi như: Kim Đồng. Hay những tấm gương là nữ như: chị Võ Thị Sáu, Mạc Thị Bưởi...
Họ đã được hình tượng hóa để đi vào thơ văn: nhân vật mẹ trong "Người mẹ cầm súng", nhân vật cô gái trong "Núi đôi".
Chúng ta không thể không kể đến những người tham gia chiến tranh một cách gián tiếp, nhưng họ cũng chịu những nỗi đau vô cùng to lớn. Đó là người chị, người mẹ. Họ tuy không chịu nỗi đau về thể xác nhưng chịu nỗi đau về tinh thần. Đó là nỗi đau mất mát người thân:
"Chị làm dâu cuộc chiến tranh
Hoà bình khóc kẻ chưa thành lứa đôi
Hứa hôn với lính lâu rồi
Nghĩa trang chị bạc tóc ngồi làm dâu
Giá ngày xưa kịp cưới nhau
Trời thương chắc đã con đầu bằng anh."
(Trích "Làm dâu" - Trần Mạnh Hảo)
Đọc những câu thơ trên hẳn rất nhiều người rơi nước mắt. Quá đau xót và thương cảm cho người phụ nữ đã hy sinh cả cuộc đời cho người yêu quên thân vì đất nước.
Rồi còn phải kể đến những nỗi đau mang tính thế hệ mà chất độc màu da cam để lại. Đau xót vô cùng!
Những gì chúng ta có được hôm nay là nhờ công của cha ông ta đó. Họ là những người lính sống mãi trong lòng dân tộc.
Xin cảm ơn tất cả các tác giả đã góp một phần nho nhỏ của mình để tạo nên những tác phẩm có giá nghệ thuật về đề tài thương binh liệt sĩ. Qua đó nói lên lòng biết ơn sâu sắc của mình.
Mai Trần Đắc Kỳ
Các bạn thân mến!, để nội dung bài viết thêm phong phú, tôi xin phép chia sẽ thêm 1 số bài thơ hay ca ngợi, tri ân những người thương binh, liệt sĩ đã có công to lớn trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước ở ngay bên dưới bài viết này.
Nếu bạn muốn đọc thơ nói về những Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng thì hãy đến với chùm thơ viết về Mẹ Việt Nam Anh Hùng mà iini.net đã chia sẽ nhé!..
THƠ VIẾT VỀ NGÀY THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ 27/7
MẸ VẪN ĐỢI ANH VỀ
Thơ: Mạc Phương
(Viết về ngày thương binh liệt sĩ)
Anh ra đi khi tuổi đời rất trẻ.
Mẹ chưa một lần được đón nàng dâu.
Có những anh chưa biết mối tình đầu.
Luôn chờ đợi mong đến ngày thống nhất.
Ở nơi xa anh gửi mình trong đất.
Bao năm qua lạnh lẽo giữa rừng già.
Chắc anh rất nhớ muốn gọi mẹ cha.
Muốn đỡ đần khi tuổi già cô độc.
Mẹ thương anh nên ngày đêm vẫn khóc.
Anh ở đâu ? báo cho mẹ đi anh.
Mẹ sẽ đón anh kề cận vây quanh.
Với đồng đội nơi quê nhà yêu dấu.
Anh có nghe rặng tre con sáo sậu.
Thương mẹ buồn sáo hát cho mẹ nghe.
Chiếc võng anh nằm mắc dưới rặng tre.
Mẹ ngày ngày vẫn ru cho anh ngủ.
Dẫu đi xa trái tim luôn ấp ủ.
Hình bóng con ngoan chiến đấu ngoan cường.
Đất nước mình gian khó những chặng đường.
Đã và đang vươn mình dần khởi sắc.
Mẹ nhớ anh buổi chia tay đi giết giặc.
Mỗi ngày qua lại kể chuyện em nghe.
Con trai mẹ dường như vẫn gần kề.
Mẹ rất mong anh trở về bên mẹ.
tri ân những người lính đã hy sinh vì Tổ quốc (ảnh: internet) |
Nhân dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27/7. Em xin chân thành gửi tới các mẹ các chị các anh cùng toàn thể các gia đình thương binh liệt sĩ trên khắp miền tổ quốc bài thơ ANH Ở NƠI NÀO ?
ANH Ở NƠI NÀO ?
Thơ: Đồng Thanh Huyền
Anh ở nơi nào khi đã hết chiến tranh
Khi đất nước đã màu xanh trở lại
Mẹ vẫn tìm anh giữa miền hoang hoải
Em vẫn tìm anh mê mải giữa rừng
Anh ở nơi nào mắt mẹ rưng rưng
Mãi gọi tên anh đến chừng gục ngã
Cha cũng tìm anh tim thành sắt đá
Nước mắt lặn rồi nên dạ lặng câm
Anh ở nơi nào để em mắt quầng thâm
Tiếng nấc mỗi đêm khóc thầm gọi mãi
Mộ anh nằm đâu giữa miền hoang dại
Bạc trắng mái đầu tê tái mẹ cha
Anh ở nơi nào chiến tranh đã đi qua
Có biết chăng người mẹ già còm cõi
Có biết chăng cả những người đồng đội
Vẫn miệt mài nơi hoang hoải tìm anh
Anh ở nơi nào khi đã hết chiến tranh
Người con gái chờ anh đã thành bà rồi đấy
Có linh thiêng anh hãy về bên ấy
Báo chỗ anh nằm cho vợi bớt buồn đau
Anh ở nơi nào chiến tranh hết từ lâu
Để nấm mồ anh phải dãi dầu mưa nắng
Chẳng nén hương thơm bóng người quạnh vắng
Lạnh lẽo nấm mồ đồng đội chẳng tìm ra
Anh ở nơi nào năm tháng có phôi pha
Những kỷ niệm với mẹ cha ngày ấy
Buổi chia tay giữa tháng năm bỏng cháy
Nụ hôn đầu ngày ấy thẹn thùng trao
Anh ở nơi nào .....
lỡ..........
lặng lẽ .....
...........vậy sao ?
VANG MÃI LỜI CA
Thơ: Đoàn Kim Ánh
(Kỷ niệm ngày Thương binh, liệt sĩ)
Hung tin xé nát ruột gan
Lá xanh rớt rụng bàng hoàng mẹ đau
Thương con chinh chiến năm nào...
Trang thư viết gởi phai màu tháng năm
Mẹ già đơn chiếc dâu tằm
Nhớ mong thầm đếm... tím bầm con tim
Chừ con xa mãi đâu tìm
Lệ tuôn ướt đẫm khó ghìm nỗi đau.
Trường Sơn dốc đá cao cao
Chia tay đồng đội con chào biệt ly
Phương trời thăm thẩm mãi đi
Khăn tang trẻ quấn, quân kỳ đắp quan.
Cội cành còn lại lá vàng
Vinh quang đất nước thiếu chàng chiến binh
Nước non ngày ấy thanh bình
Quốc ca vang mãi bóng hình cờ bay
Mẹ già tóc bạc mỗi ngày
Thắp nhang tưởng nhớ u hoài xót xa...
người thương binh giàu nghị lực (ảnh: internet) |
NGÀY THƯƠNG BINH
Thơ: Nguyễn Mạnh Đẩu
Em đừng chúc anh nhân Ngày Thương binh
Bởi anh là người không khuyết tật
Giữa cuộc chiến biết bao người đã khuất
Với anh, vết thương này đâu có hề chi
Bao đồng đội cùng trang lứa ra đi
Nằm lại chiến trường gốc cây, bụi cỏ
Ngày chiến thắng, không ngày đoàn tụ
Bố Mẹ già đau đáu ngóng ... mồ con
Bao trẻ thơ buổi cắp sách tới trường
Trang học bạ, dòng cha ghi Liệt sĩ
Bao người vợ suốt một thời xuân trẻ
Chôn khát khao khắc khoải nỗi niềm riêng !
Người chiến binh xông pha chốn trận tiền
Và người hậu phương đã hy sinh thầm lặng
Thuở cả nước hành quân ra trận
Mất mát hy sinh đâu chỉ … có riêng mình !
VÔ DANH
Thơ: Nguyễn Quang Tuyến
Ngắm nhìn hàng mộ không tên
Đứng im lặng lẽ ở bên cúi đầu
Các anh quê tận nơi đâu
Về đây chiến đấu bể dâu ai màng
Hy sinh anh dũng sẵn sàng
Giành lấy độc lập anh mang quê mình
Nay ngày liệt sĩ thương binh
Thành tâm kính viếng nghiêng mình bên anh
Hy sinh lúc tuổi còn xanh
Nghìn năm bia đá ghi danh bảng vàng
Ngậm ngùi thắp một tuần nhang
Tên anh đâu biết ghi hàng nào đây
Thương anh nằm ở nơi này
Quê chung anh nhé ngày nay quê mình
Thành tâm đứng trước anh linh
Cúi đầu bái biệt ân tình ghi ơn !!!
nghĩa trang liệt sĩ (ảnh: internet) |
TỔ QUỐC GHI CÔNG
Thơ: Bích Xoan
Đất nước thanh bình vẫn mãi gọi tên anh
Những tấm gương
Anh hùng
Liệt sỹ
Thương binh
Đã vì hôm nay không tiếc máu xương mình
Cho quê hương được trời xanh, mây thắm…!
Anh…!
Dáng đứng Việt nam hiên ngang, đẹp lắm
Dùng tuổi đôi mươi chắn bom đạn cường quyền
Biển rộng, non cao đêm ngày mãi gọi tên
Anh hiện hữu trong mọi miền Tổ quốc…!
Đã mấy mươi năm Đất nước mình thống nhất
Mẹ vẫn thầm kêu tên anh trong mỗi đêm dài
Anh hẹn ngày về… sao bắt em đợi mãi
Hạnh phúc hôm nay in khắc khoải bóng hình
Anh…!
Đi chiến chinh trở về không lành lặn
Bỏ lại một phần xương, máu vì quê hương
Người thương tật nhưng chí hướng kiên cường
Dẫu vết thương cũ vẫn đêm ngày nhức nhối
Anh…!
Đã làm nên bài ca đất nước tôi
Rạng rỡ năm châu bởi có những con người
Bồng súng trăng treo canh bầu trời Tổ quốc
Lịch sử rạng ngời … dáng đứng Việt nam ơi…!!!