Một lần gặp Trịnh Công Sơn (ảnh: internet) |
Vừa đến trường ở ngay trong Đại nội, mình gặp vợ chồng họa sĩ Vũ Trung Lương và nhà điêu khắc Lều Phương, (khi còn ở Hà Nội mình thường vẫn gọi là cô, chú) lúc này chú Lương là Hiệu trưởng của trường. Chả là ngày xưa vợ chồng chú đều học rồi được giữ lại dạy ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam suốt từ hòa bình lập lại đến những năm tháng sơ tán ở Hiệp Hòa - Hà Bắc hồi chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Chú cháu gặp nhau vui lắm, cả lớp mình được chú tạo điều kiện bố trí cho chỗ ăn ở ngay trong ký túc xá của trường.
Ổn định chỗ ăn ở xong, ngay hôm sau bọn mình bắt tay vào vẽ loanh quanh trong Đại nội, lại gặp MQ bạn với HPL, VLN lớp mình từ hồi còn là học trò anh Thẩm Đức Tụ ở Cung thiếu nhi Hà Nội, MQ bảo vào lăng Tự Đức vẽ mới sướng, trong ấy đẹp lắm tha hồ vẽ, mà lại cách trung tâm thành phố Huế khá xa nên có muốn lang thang đi chơi cũng ngại, tha hồ tập trung cho chuyên môn. Thế là hôm sau cả bọn thu xếp vào lăng Tự Đức vẽ.
Ngày ấy lăng Tự Đức còn hoang vắng lắm, chả biết trước 75 thế nào chứ quãng thập niên 80 này đìu hiu, vắng vẻ, cây cối mọc um tùm, khách du lịch thăm viếng lác đác chỉ vài ba người vào những ngày chủ nhật. Bọn mình vào ban quản lý di tích liên hệ xin ở nhờ để vẽ, được đáp ứng ngay. Họ xếp cho bọn mình ở ngay trong Minh Khiêm nghe nói là nơi ngày xưa vua xem hát xướng.
Vẽ chán chê, chiều đến bọn mình lại xuống hồ Lưu Khiêm mò ốc nhồi, chu cha! Ốc đâu ra mà nhiều thế, mang cái xô theo mấy thằng bắt một lúc là đầy, lại phân công đứa phi xe đạp về chợ Đông Ba mua nguyên vật liệu nấu bún ốc, đứa ngâm ốc, rửa ốc, luộc ốc… vui ra phết.
Mà cái ngày ấy sinh viên thì nghèo, mình may là bộ đội đi học nên còn có chút lương, chứ đám bạn cùng lớp là học sinh phổ thông vào đi thực tập chỉ có học bổng, cộng thêm tý chút bố mẹ cho thêm, mấy anh em chung nhau mua được vài chục ký khoai tây, vài ba bao bột mỳ vào chợ Đông Ba bán lãi gấp đôi, gấp ba cả hội sướng rêm vì có thêm chút đỉnh cho cả đợt thực tập (cho đến tận bây giờ có lẽ đây là cú áp phe thắng lợi lớn nhất trong cuộc đời sinh viên bọn mình). Bây giờ bỗng dưng có được nguồn thực phẩm vừa ngon, vừa bổ, giàu dinh dưỡng lại không mất tiền thì còn gì bằng. Thế là món ốc nhồi lăng Tự Đức được bọn mình thi triển trong suốt thời gian lưu vẽ tại đây.
Còn nhớ hôm ấy nhằm Chủ nhật, như mọi ngày cả bọn lại tản đi vẽ. Mình đang ngồi mải miết gãi bút sắt cây cầu Tuần Khiêm nối vào Xung Khiêm, bỗng thấy có cảm giác như có ai đó đang đứng sau nhìn mình vẽ, quay lại thì trời ơi, đập ngay vào mắt mình là Trịnh Công Sơn rồi đến nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, nhạc sĩ Hoàng Hiệp, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, và họa sĩ Bửu Chỉ, luống cuống chỉ kịp chào các đại ca rồi gọi cả lớp lại để gặp các anh.
Buổi gặp gỡ không hẹn trước hôm ấy thật vui, các anh xem tranh bọn mình vẽ, hỏi thăm những Văn Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn Sáng… ở Hà Nội thế nào… bọn mình chíp hôi đứa nào biết gì thì kể nấy, cũng may mình cũng biết chút ít vì sinh ra và lớn lên trong môi trường toàn văn nghệ sĩ nên cũng hầu chuyện các anh được kha khá, chợt anh Sơn quay sang hỏi mình về chuyện ăn uống, sinh hoạt ở chốn “khỉ ho” này như thế nào? Mình nói bọn em tự túc nấu lấy, cơm ăn với muối vừng, ruốc mang từ Hà Nội vào…, bọn con gái lúc này được dịp nhao nhao kể chiến tích “đi buôn”, anh Sơn cười hề hề nói: “Hay hè, giá như mấy bài hát của anh bán được thì anh biếu các em bán đi xài đỡ”.
Trong lúc vui truyện mình đề nghị anh Sơn hát mấy bài chơi, nhưng anh từ chối và nói mai các anh có tổ chức trọn một ngày vui chơi, nói chuyện, hát hò tại quán thủy tạ của anh Bửu Chỉ, nếu các em rảnh mời về Huế chơi cùng bọn anh, lúc đó anh sẽ hát cho mà nghe. Sau đó chia tay.
Bọn mình nhìn các anh xa dần về phía cổng lăng trong dáng gầy guộc của Trịnh Công Sơn, bước đi tập tễnh trên cái chân gỗ của Phạm Trọng Cầu, và cái đầu lắc lắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường…
Được lời như cởi tấm lòng, chiều hôm ấy bọn mình thu xếp đồ đạc về Huế để hôm sau đến quán thủy tạ chơi. Khoảng 9g sáng bọn mình đến, quán vắng hoe chả có ma dại nào, cà phê cà pháo mãi, chừng 10g hơn thấy các anh lục tục kéo đến, hóa ra các bố sống về đêm là chính, đêm qua các bố cũng tụ tập nhậu với nhau đến khuya nên sáng ra dậy muộn, còn kéo nhau đi ăn sáng rồi mới đến.
Lát sau lác đác từng tốp, từng tốp sinh viên các trường đại học ở Huế cũng đến. Thì ra việc Trịnh Công Sơn ra Huế, là cả một sự kiện, dân Huế đều biết cả, nhất là đám sinh viên, chả mấy chốc mà cái quán thủy tạ đã chật cứng người, đầu tiên là Phạm Trọng Cầu đăng đàn, ông say sưa kể nguồn gốc những sáng tác Trường làng tôi, Mùa thu không trở lại, Cho con… và ôm guitar hát minh họa rất say sưa và hết mình. Chợt như sực nhớ ra điều gì, quay sang Hoàng Hiệp anh nói: À, mà Hoàng Hiệp có bài này hay lắm để tui hát cho các bạn nghe:
Như bao con cá ở trong hang
Con cá trong hang là cá rất ngon
Đem nướng chui nhậu khá tốn mồi
Hoan hô con cá ở trong hang, hoan hô con cá ở trong hang…” (chế từ Cô gái vót chông của Hoàng Hiệp)
Khiến cả phòng tán thưởng trong tiếng vỗ tay và tiếng cười sảng khoái. Chưa hết, anh Cầu còn chế thêm bài Chút thư tình người lính biển cũng của Hoàng Hiệp trong đó có câu: “Vợ một thau, và em một thau…”, rồi anh giải thích từ “thau” ở ngoài Bắc gọi là cái chậu dùng riêng cho phụ nữ mỗi khi đến tháng. He he.
Cũng chẳng vừa, Hoàng Hiệp giằng lấy cây guitar trong tay anh Cầu rồi mượn lời bài “Ở trọ” của Trịnh Công Sơn hát:
Môi xinh ở đậu người xinh
Đi đứng ở trọ đôi chân chú Cầu
Người xinh ... í ... a
Cầu xinh ... í ... a
(anh Cầu có một chân giả đi đứng tập tễnh phải chống nạng)
Khán phòng cười rộ lên và vỗ tay không ngớt.
Dường như đã đến lúc hưng phấn, anh Sơn đứng dậy lấy cây đàn guitar gỗ từ tay anh Hoàng Hiệp rồi cướp diễn đàn, chả nói năng chi anh vừa chơi đàn vừa hát:
"Con chim ở đậu cành tre
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn
Cành tre ... í ... a
Dòng sông ... í ... a
Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời
í ... a ... í ... à ... í ... à ... a ... "
Rồi anh say sưa nói về suy nghĩ, nguyên do vì đâu anh sáng tác bài Ở trọ. Anh nói từ con ong cái kiến, con cá con tôm, làn gió, đám mây, không gian, thời gian, cho đến đôi môi, gót hài… đều là kiếp ở trọ cả. Ngay đến bản thân chúng ta đây cũng chỉ là kiếp ở trọ mà thôi: ta ở trọ trên trái đất này, trái đất ở trọ hệ mặt trời này, hệ mặt trời thì cũng kiếp ở trọ trong dải Thiên hà, dải Thiên hà ở trọ trong vũ trụ bao la ... Ngẫm ra đúng thật, trên đời này chả có gì gọi là vĩnh cửu cả. Rồi anh hát:
Trăm năm ở đậu ngàn năm
Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn
Ngàn năm ... í ... a
Buồn như ... í ... a
Ơ hay là một vòng xinh
Tôi như người bỗng lênh đênh giữa đời
í ... a ... í ... à ... í ... à ... a ...
í ... a ... í ... à ... í ... à ... a ...
Đám sinh viên Huế và bọn mình ngồi nghe mà cứ mắt tròn mắt dẹt, cứ mỗi khi anh kết một đoạn tự sự lại vỗ tay rần rần.
Khi đã đến cao trào, anh dẹp quầy bar rồi trèo lên ngồi tót lên quầy, anh say sưa kể về những Uớt mi, Một cõi đi về, Biển nhớ, Gọi tên bốn mùa, Mưa hồng… và về tình yêu và thân phận con người trong những sáng tác của anh. Cứ sau mỗi câu truyện lại là một bài hát cứ như thế, anh nói chuyện say sưa và không ngừng.
Cuộc vui đang lên đến đỉnh điểm, quãng 14g thấy có người vào ghé tai anh Bửu Chỉ chủ quán Thủy tạ nói gì đó, thế rồi cuộc vui lắng xuống, rồi anh Bửu Chỉ chủ nhà tuyên bố buổi giao lưu đến đây là hết, hẹn gặp lại các bạn vào một dịp khác trong sự nuối tiếc của tất thảy người hâm mộ trong tửu quán. Sau hỏi ra thì được biết bên an ninh họ yêu cầu không được tụ tập đông người, mà cái đáng quan tâm hơn cả diễn giả lại là nhạc sĩ họ Trịnh khi ấy chưa được phép trình diễn rộng rãi những sáng tác trước 1975.
Chiều hôm ấy chia tay các anh, rồi hẹn sẽ có một ngày nào đó được gặp lại các anh ở Hà Nội. Mấy bạn gái lớp mình sau đó còn có vài ba lần gặp lại Trịnh (hồi ấy anh Sơn rất thích một người đẹp cùng lớp mình, cứ ra Hà Nội là anh lại hẹn đám con gái lớp mình tụ tập bù khú, đàn hát nhưng không nhận được tình yêu của người đẹp đáp trả, thất vọng anh đi lang thang Hà Nội và Mùa Thu Hà Nội với làn điệu buồn da diết ra đời trong giai đoạn này) nhưng mình thì không gặp anh lần nào nữa, đấy là lần duy nhất trong đời mình được nghe Trịnh bằng xương bằng thịt vừa tự sự, vừa chơi đàn và hát cho nghe. Một dịp hiếm có mà không phải ai cũng được may mắn như mình.
Ngày mai mùng 1 tháng Tư năm 2018 kỉ niệm 17 năm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đi xa, mình viết lại kỷ niệm này để nhớ về anh, một nhạc sĩ lỗi lạc và tài ba của nền âm nhạc nước nhà.
Tạ Trí