Thực tại, tôi đã thấy. Những vùng tôi đi qua, nhất là các đô thị, đều phát triển rất nhanh, rất kỳ diệu. Ai đã từng được sống ở đây, nay có dịp trở lại, càng cảm nhận rõ điều này. Đó là một niềm vui, cả Tây nguyên đang chuyển mình cùng với đất nước, tạo ra những tiền đề để nơi đây phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Người dân tộc Tây Nguyên (ảnh: internet) |
Còn hình ảnh Tây nguyên xưa? Tôi muốn tìm lại cảnh Tù trưởng Đam San giàu có dũng mãnh, nhiều chiêng đồng, ché bạc, đánh thắng các tù trưởng khác và muốn bắt nữ thần mặt trời về làm vợ, cảnh vua voi A Ma Kông ở Buôn Đôn cùng trai làng đi săn và thuần dưỡng voi, cảnh Tây nguyên rộn ràng thời đánh Mỹ,
"Đuốc lồ ô, bập bùng trong ánh lửa,
Sóc Bom Bo rộn rã tiếng chày khuya..."
Rất buồn, những cảnh đó chỉ còn trong Bảo tàng Dân tộc ở Đắc lắc, ở Gia lai và ngoài Hà Nội.
Thuê xe máy đến thăm Buôn Jun ở Đắc lắc, Làng( Buôn) Tieng ở Pleiku, Buôn Konklor ở Kon Tum, tôi chỉ còn nhìn thấy nhà Rông Konklor to nhất Tây nguyên, do cơ quan du lịch Kon Tum phục chế lại, còn tất cả nhà Rông bây giờ đều bê tông hoá. Nhà dân ở cũng vậy, đều là nhà xây và lợp tôn. Vào làng người Thượng, mà tôi thấy như làng người Kinh ở dưới xuôi, ngoài việc trồng Tiêu, cafe, chăn nuôi, cấy lúa nước, nhiều người cũng đã biết làm các dịch vụ như bán tạp hoá, bán giải khát, sửa chữa cơ khí...Tôi chỉ nhận biết được họ là người dân tộc, là nhờ vào giọng nói và nước da ngăm đen.
Cô gái Tây Nguyên (ảnh: internet) |
Tây nguyên ngày trước rộng mênh mông, dân cư còn thưa thớt. Sau giải phóng miền Nam, nhiều bộ đội XẺ DỌC TRƯỜNG SƠN ĐI CỨU NƯỚC là con em các dân tộc miền núi phía Bắc, đã phát hiện đất đỏ Ba zan nơi đây rất màu mỡ, thay vì phục viên trở lại quê hương, họ làm ngược lại, đưa cả gia đình vào đây khai phá đất đai. Từ đó, kéo theo một làn sóng di cư tự phát của dân các tỉnh Cao Bằng, Lạng sơn, Bắc Cạn...vào Tây nguyên. Rồi thời mở cửa, cây Cafe, cao su, hạt tiêu lên ngôi, đến lượt dân các tỉnh duyên hải miền Trung thấy được giá trị vùng đất này, họ kéo lên đây kinh doanh, rồi xây nhà ở các đô thị, một số người mua lại đất đai của người dân bản địa, đầu tư trồng cafe, hạt tiêu...
Để đến bây giờ, người Kinh đã chiếm tới 70% dân số của Tây nguyên. Điều này cũng có mặt tốt, tăng được số dân, tạo nên cảnh tấp nập, nhộn nhịp của vùng núi cao. Nhưng, thực tế này cũng đang đặt ra những vấn đề cần giải quyết, đó là tình đoàn kết giữa người Kinh với người Thượng, là việc giữ gìn bản sắc của các dân tộc Tây nguyên.
Hiện nay, nhiều Buôn làng cũ đã trở thành đô thị như Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ... nhiều làng cũ của người Thượng ở gần đô thị, vẫn còn giữ được một số phong tục tập quán cũ, nhưng cuộc sống đã Việt hoá, chẳng khác gì các làng xã ở dưới xuôi. Một số Buôn làng quen với lối sống phóng khoáng xưa, đã di dời xa đô thị, vào các vùng sâu, vùng núi cao.
Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, người dân sống rải rác ở các thôn, bản, mỗi phiên chợ là dịp họ được xuống chợ gặp lại bạn tình, bạn thân...vì vậy, đến các thành phố như Sơn la, Lạng sơn, Cao bằng, Hà giang...ta luôn nhìn thấy bà con dân tộc váy áo sặc sỡ, xuống chợ bán lâm sản, hát với bạn tình, uống rượu với bạn bè, tạo nên một khung cảnh rất đẹp. Còn đến với các đô thị Tây nguyên ngày nay, hầu như ta không bắt gặp hình ảnh bà con mặc quần áo dân tộc đi trên đường phố. Bởi, những Buôn làng gần Thành phố, đã sống như người Kinh, còn Buôn làng xa, bà con sống trong cộng đồng đông đúc, việc cung cấp hàng hoá và tiêu thụ sản phẩm, đã có các thương lái đảm nhiệm. Họ ít có nhu cầu đi lại và giao tiếp. Các hoạt động văn hoá dân tộc, mỗi năm chỉ diễn ra vài lần vào các dịp lễ hội. Thật là một thiệt thòi cho khách du lịch mỗi khi đến Tây nguyên.
Duc Nguyen