Mưa Yangon khác Saigon, không ồn ào vồn vã bất chợt đến rồi bất chợt đi như chuyện tình của đôi lứa cuốn lấy nhau, yêu nhiệt tình rồi ngưng bất thình lình. Mưa Yangon dai dẳng âm ỉ, ướt át những niềm riêng, mà thấm cái tình hiền hoà và dễ mến, như đúng bản chất của người dân miền Miến Điện này.
Bên này, họ gắn liền với chiếc dù những ngày mùa mưa.
Cuộc sống,
Myanmar hiền hoà, dung dị và an lành. Các thành phố tôi qua đều đầy những mảng xanh, ít khói bụi và bình lặng. Bình lặng theo từng bước chân người dân nơi này trong chiếc longyi, để dù có muốn họ cũng chẳng thể vội vã được.
Bình lặng trong những đỉnh tháp chùa dát vàng, trong những tiếng chuông vọng vang khắp nơi, hoà vào tiếng quạ gọi bầy những buổi chiều khi hoàng hôn buông dài trên những mặt hồ trong thành phố.
Bình lặng đến nỗi chỉ mới ngày thứ ba tôi đã nhớ Saigon quay quắt, lạ đời là nhớ chính cái ồn ào mà tôi đang chạy trốn, lúc này!
LIÊN KẾT ĐƯỢC TÀI TRỢ
Da ngâm đen, mũi cao, và hiền lành!
Người dân nơi này họ chân chất lắm, những câu chuyện về điều cấm kỵ rằng họ không tham của rơi, rằng họ nghĩ đó là của người khác, và của người khác thì nếu mình chiếm là sẽ không may mắn như lời Phật răn về lòng tham - sân - si, sau cùng cũng chỉ rước lấy khổ hạnh.
Họ học Phật từ nhỏ, chẳng bon chen, chẳng bôn ba tất tả, chẳng nặng lòng vật chất. Họ làm họ học để đi giúp đỡ người kém may mắn hơn mình, để góp tay chung sức vào chùa, những mảnh dát vàng của từng quãng trường tu tập cứ dày lên thêm theo thời gian như chính sự an lạc trong tâm hồn họ.
Tôi ngồi lên taxi, hình Phật Chùa dán đầy trên xe, anh tài xế bập bẹ tiếng Anh vẫn nhiệt tình giải thích cho tôi hiểu, xen lẫn trong lời nói anh là niềm tự hào và lòng tôn sùng vô bờ bến với Phật. Rồi có anh, tôi nói mình muốn nghe nhạc Myanmar, anh mở to thêm khi thấy tôi phấn khích lắc lư hát theo bởi mớ tiếng Myanmar được phiên âm theo tiếng Việt.
Dọc những khu chợ, những phố hàng lưu niệm, được dặn phải trả giá, tôi cũng trả và họ cũng nói thách nhưng khi không mua họ vẫn cảm ơn, vẫn tặng tôi nụ cười hiền lành như một thương hiệu cho lòng hiếu khách, mắt họ ánh lên sự nhân từ, má họ rạng ngời thêm ngoài lớp Thanakha làm từ nhựa vỏ cây cùng tên, được bôi quanh mặt - một kiểu trang điểm truyền thống vừa để làm đẹp, vừa để trừ tà của họ.
Lang thang mua mấy thứ đồ ăn lặt vặt đường phố, dù trước khi đi bạn đã dặn, tuyệt đối không được ăn hàng rong, mất vệ sinh lắm! Mà, nếu sợ tôi đã không được tặng những nụ cười dễ thương, không được tặng cái nhiệt thành, không được mời chụp hình chung, chắc họ thấy tôi lạ. Rồi cũng không được những câu chào hỏi, những lời giải thích đan xen giữa tiếng địa phương và một vài từ tiếng Anh bập bẹ.
Để, ngôn ngữ không còn là khoảng cách giữa người và người, mà chính là ánh mắt nụ cười và thái độ chân thành từ chính tâm hồn nhau. Họ đã giúp tôi thêm vững tin vào điều đó.
Ẩm thực,
Myanamar với tôi không phong phú lắm về ẩm thực, món ăn đường phố thường là những món xiên que, nhưng đa phần là rau củ. Nhà hàng thì các món na ná như ở Singapore, India, Indonesia, một sự pha trộn không rõ nét. Ở Myanmar quốc đạo là Phật giáo nhưng theo Nam tông, họ khất thực nên được thọ dụng thức ăn, xin được gì thì ăn đó, trong đạo hạnh cũng không phân rõ chay mặn như Bắc tông ở Việt Nam.
Ven đường là những quán nước nho nhỏ, bán trà, cafe và trầu. Đàn ông bên này ít hút thuốc nhưng ăn trầu, miệng ai cũng cứ nhai nhóp nhép rồi vô phun cái phèo ra đường, và họ sẽ tặng kèm nụ cười hiền lành cho người nào gần đó đã kịp thời né được.
Ở khu dân cư tôi phải vất vả mấy vòng taxi để tìm đến nơi có thể mua được cho mình ly cappuccino, Yangon là thành phố sầm uất nhất mà cũng hiếm những shopping center đúng nghĩa lắm! Nhà hàng Pháp - Ý dường như chỉ dành cho khách du lịch và nước ngoài đến đây làm việc, đó có lẽ không thuộc về người dân bản địa nơi đây.
Hiền hoà,
Bình yên,
Dung dị...
Myanmar, an lành cho lòng kẻ lữ khách như tôi những ngày "lễ hội dù" thế đó.
Yangon, Myanmar Aug 2016!
Vy Nguyễn