Tản mạn chuyện đón Tết ngày xưa của người Việt. |
Các bạn U50 trở lên chắc còn nhớ giữa thập niên 70 của thế kỷ XX đến đêm trước của thời kỳ đổi mới đời sống thành phố còn nhiều thiếu thốn khó khăn, nhưng trong con mắt của bọn trẻ "ăn chưa no, lo chưa tới" thì thật tình rất là vui, không khí chộn rộn hơn ngày thường, con nít được nghĩ học dài ngày nên có điều kiện phụ giúp người lớn dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, chùi lư, quét mạng nhện dán giấy báo, lịch treo cũ... làm mới trên các vách ván, "tường" tôn, rồi phụ giúp lột kiệu, phơi dưa, làm mứt ... chiều chiều tranh thủ mùa gió chơi thả diều tới chạng vạng tối. Gần như con nít thời đó chơi suốt, tối 23 (đưa ông táo), giao thừa canh me chương trình táo quân để xem mà lúc đó các nghệ sĩ hài nổi tiếng BQ, DP, PQ, MC gần như thống lĩnh trên các màn hình ti vi. (thơ táo quân)
Tối 28, 29 tết, ông bà già của lão thường gói bánh tét, phải nói ông già gói chắc tay hơn bà già, đòn nào đòn nấy "chắc cú bà bé" ráo nước, để lâu được. Nấu bánh tét cả đêm, bọn nhóc trong xóm cũng a dua thức sáng đêm canh nồi bánh, thêm củi thêm nước. Thương tụi con nít, bà già bao giờ cũng để sẵn một rổ khoai lang rửa sạch, cứ thế vùi vào tro nóng, mùi khét của khoai thơm nứt mũi, "làm" lai rai trong tiết trời se se lạnh một cảm giác khoan khoái khó tả. Con nít thì hiếu động, thi thoảng "quăng" vào đóng củi than một vài viên pháo trung, pháo chuột nổ đì đùng rất háo hức. Sau này người ta lạm dụng đốt pháo nhiều quá gây lãng phí, ô nhiểm và tác hại cho xã hội nên 1995 nhà nước cấm đốt pháo nhưng nhà nước cũng kịp thay vào đó hình thức đốt pháo bông đêm giao thừa tạo được sự đồng tình, động thuận của người dân. Thú thật, không có pháo ngày xuân lão cũng buồn da diết, nhưng cấm đốt pháo là hoàn toàn đúng đắn.
Vui Tết Xưa (ảnh: internet) |
Ngày tư, ngày tết lão thích ngắm bàn thờ gia tiên. Có lẽ xuất phát từ tục lệ thờ cúng tổ tiên mà những gia đình Việt rất chăm chút bàn thờ ngày tết. Dù vật cúng cầu kỳ hay đơn sơ, giá trị đắc hay rẻ nhưng nhìn chung phải đảm bảo đầy đủ hương, đăng, hoa, quả. Hồi đó việc trưng bày bàn thờ cũng không có nhiều lựa chọn, cũng "đông bình tây quả" chính giữa là bộ lư hương, nhà không có điều kiện thì bát nhang cũng được không câu nệ. Nhang đèn thì không có phong phú như bây giờ. Nhưng nghèo thì nghèo cũng cố gắng xài nhang thơm cho thơm nhà thơm cửa trong ngày đầu năm, đèn cầy được thắp trong đêm giao thừa, cúng mùng một và mùng ba tết (tiễn ông bà). Nhà giàu hoặc người Hoa thì sử dụng nhang khoanh, người nghèo sử dụng đèn dầu, lửa nhỏ cháy suốt trong ba ngày tết, và trong thực tế thời đó nhiều vụ cháy nhà cũng do sử dụng nhang đèn liên tục suốt ba ngày tết, thậm chí ra khỏi nhà cũng không tắt nhang đèn làm mất vui và gây ra những sự cố thương tâm. Ông bà mình có câu "xe trước đổ, xe sau phải tránh" do đó cần phải thận trọng khi sử dụng nhang đèn cúng kiếng.
Gói bánh ngày Tết (ảnh: internet) |
Mâm quả hồi đó đâu có trái cây Trung Quốc hay Mỹ, Úc chỉ thuần tuý "cây nhà lá vườn", made in Đại Cồ Việt. Thông thường người Việt có thói quen "liên tưởng" trong trưng bày mâm quả ngày tết, trong các tranh treo tết nhằm gởi gắm trong đó những ước muốn bình dị như mâm ngũ quả : Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung ... mà đọc trại đi "cầu vừa đủ xài, sung túc", người thích đùa thường chọc ghẹo gia chủ ngoài "cầu vừa đủ xài" cần cúng thêm cái líp xe đạp và cái bạc ba ga để quanh năm bổng lộc "đủ xài líp ba ga", những câu chuyện hài hước đại loại như thế rất dễ dàng được "tha thứ" vì ngày tết rất "kỵ" xung đột. Việc bổ dưa hấu và cắt bánh tét cũng có tính "hên, xui". Dưa đỏ lòng, bánh tét thơm ngon không bị sống sượng là hên, còn ngược lại là "xui", bỏ qua yếu tố "mê tín dị đoan" thì việc "đoán mò" như trên cũng thú vị lắm nó thể hiện tính lạc quan dí dõm của văn hoá truyền thống. Bông trưng và cúng tết cũng đơn giản lắm chủ yếu là bông cúc, bông vạn thọ, bông lài, cành mai ... khác với bây giờ bông hoa cực kỳ đa dạng, nhập từ miền bắc và từ nước ngoài tha hồ mà lựa chọn. Nước cúng thì có rượu trắng (đế), nước sạch hoặc trà thể hiện sự tinh khiết thuần việt, ngày nay lão thấy có người cúng bằng rượu whisky, cognac, các loại rượu màu ngoại nhập.
Nhắc lại cho vui, "ôn cố tri tân" và trên tinh thần "gạn đục khơi trong". Cái gì hay của người, của mình thì học và giữ lại phát huy, cái gì cũ mà dỡ, mới mà xấu thì ta bỏ không bắt chước ... he he vài dòng gọi là vui xuân ... he he chúc mừng năm mới.
Túy Lão Hòa Thượng