Tôi nhặt lên, ngắm nghía trong lúc ông tiếp tục công việc:
- Ngoại vấn thuốc đẹp quá! Nhưng…
Mỉm cười, ngoại hất hàm:
- Nhưng sao?
- Nhưng…lâu thấy mồ! Con thấy người ta làm một cái bàn vấn. Mỗi lần se được hai hoặc bốn điếu lận. Hay để con làm cho ngoại một cái nghen?
- Thôi dược rồi, cô nương! Ai không biết vậy. Tại ông muốn giết thời gian.
Tôi dặt điếu thuốc vào cái hộp gỗ, nhún vai:
- Cô giáo con bảo thời gian là vàng bạc mà ông lại giết nó.
Từ nhà sau, bà ngoại tôi đi ra, đến bên ông, đặt nửa trái chuối xiêm mới cắt làm đôi lên chiếc đĩa sau khi ném miếng chuối cũ qua cửa sổ. Bà bĩu môi, miếng trầu trong miệng bị dồn cục bên má trái:
- Hứ, lát nữa, ổng lại đốt thời gian cho bây coi.
Ông gật gù, cười, trêu chọc:
- Vậy mà có người tạo điều kiện cho tôi đốt thời gian mới khổ chứ!
Ngày nào, bà cũng mua cho ông năm mươi gam thuốc. Phải là thuốc giồng Xuân Lộc bà mới ưng ý. Đây là loại thuốc ngon nhất vùng nầy. Nổi tiếng bén lửa, nhiều khói và gắt như…củ kiệu. Dù nhà nghèo, bà cũng không hề tiếc khi chọn giấy vấn loại một. Để khói thơm, bà thay hồ bằng chuối. Có một hôm, bà bệnh, không đi chợ. Mẹ tôi mua thức ăn, gởi người hàng xóm mang về. Đang nằm trùm mền, bà lồm cồm ngồi dậy, đi ra, soạn giỏ. Không thấy mẹ mua thuốc cho ông, bà chửi té tát một hồi:
- Đồ bất hiếu mà! Ba nó chỉ có chút đó là niềm vui mà nó cũng quên được. Tui mà chết rồi chắc ba nó đói cơm, thèm thuốc quá!
Bà sai tôi chạy ra chỗ mẹ bán, bảo mẹ dù có đắt hàng cũng bỏ đó, đi mua thuốc ngay. Đang học bài, tôi hẹn:
- Dạ, để con học bài xong rồi đi.
- Tổ cha mầy! Đợi mầy thuộc bài chắc tan chợ, người ta dọn hết quá!
Tôi cố cãi:
- Chợ nhóm tới chiều, dễ gì hết mà bà lo.
Xoẹt, bịch bịch…Tôi nhảy nhỏng vì bị quất mấy roi bất ngờ. Hình như cơn giận đã chữa hết bệnh cho bà ngoại. Nét mặt bà bừng đỏ, mắt trợn trừng, miệng thét vang trời:
- Cãi nè, cãi nè…Quỷ sống!
May là ông vừa về tới, kịp thời chộp lấy cây roi mây:
- Chuyện gì, chuyện gì…mà bà làm rùm trời vậy hả?
Vừa thở dốc, bà vừa chỉ vào mặt tôi:
- Tui biểu nó đi chợ mua thuốc hút cho ông mà nó cãi.
Bật cười, ông quay sang tôi:
- Sao vậy con?
Tôi tức tưởi, kể lể:
- Bài tập nhiều quá trời, con làm chưa xong, bà biểu đi chợ. Con hẹn chút nữa con làm bài, học bài xong sẽ đi. Bà sợ người ta bán hết, bà đánh con.
Ông ngoại kéo tôi vào lòng, vuốt tóc, dỗ dành:
- Thôi nín đi con! Mai mốt bà sai bảo phải vâng lời. Con chọc bà giận trong lúc bệnh, lỡ bà đứt gân máu, bà chết. Ngoại tự vận chết theo đó.
Bà lườm ông:
- Đồ quỷ sứ!
Hai ông cháu cùng cười, tôi thắc mắc:
- Ngoại ơi! Sao ai bà cũng gọi là quỉ hết vậy? Con là quỉ sống. Ông là quỷ sứ. Mẹ con là quỷ cái. Còn bà, bà sẽ là gì hả ngoại?
Ông nhịp nhịp bàn chân:
- Bà ngoại con là …quỷ yêu.
- Quỷ yêu là sao hả ngoại?
- Ơ là….yêu quỷ.
- Con chẳng hiểu gì ráo!
- Lớn lên con sẽ hiểu. Bây giờ, con chỉ cần biết nhà mình tuy nghèo nhưng rất hạnh phúc. Mọi người thương yêu nhau.
- Thương con sao bà hay đánh con quá vậy?
Bà ngoại cướp lời:
- Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi!
- Nhưng con thích thương cho ngọt cho bùi hơn.
- Mầy thích gì kệ mầy, tao cứ cho roi, cho vọt.
Bà tôi vẫn vậy, ngang bướng không ai bằng. Ông bảo bà “Khẩu xà, tâm phật”. Miệng nói có gai, có ngạnh nhưng lòng lành còn hơn bụt. Tôi nửa tin, nửa ngờ.
Truyện ngắn: Nếp nhà (tranh: Đỗ Duy Tuấn) |
Những ngày mưa dầm, mẹ tôi bán ế, tiền lời không đủ để mua gạo nấu cơm. Cả nhà phải ăn cháo. Chỉ có mình tôi là được bà dành cho một tô cháo đặc với mấy miếng cá kho khô. Nhìn mọi người xì xụp húp cháo loãng, tôi thương bà hơn bao giờ hết. Tôi ứa nước mắt khi thấy bà đội một chiếc nón lá bung vành, trùm tấm ny-lông bương bả ra ngoài trời sũng nước, về hướng có phát ra tiếng ếch nhái bất chợt kêu vang. Tôi biết, lát nữa cả nhà sẽ được nếm mùi thịt ếch. Ông sẽ lấy miếng da ếch bọc vào miệng lon sữa bò, làm trống ếch cho tôi chơi. Buổi tối sẽ thật vui. Ông nằm trên ván nhịp chân ư a hát Hồ quảng. Tôi ngồi cạnh, gõ trống ếch liên tu, chẳng theo nhịp điệu nào. Còn bà, bà ngồi ở một góc ván, bõm bẽm nhai trầu. Tay đẩy tới đẩy lui cục thuốc rê. Chốc chốc, nhấc cái ống nhỏ con con lên, nhổ một bãi nước bọt đỏ quạch. Mẹ tôi thì mở cặp da của tôi, lấy vở ra xem điểm. Gặp điểm to, mẹ hớn hở ra mặt. Trông thấy điểm nhỏ, mẹ thở hắt ra, nét mặt sa sầm. Mẹ lũi ra sau bếp rồi vào giường ngủ sớm.
Vào những ngày giỗ, bà thật đáng sợ, dữ như chằn. Chẳng biết ngoại dậy từ lúc nào mà khi tôi thức giấc, gà vịt đã được chặt miếng ướp cà ri. Mùi thơm sực nức. Đứng ngoài ngõ vẫn đánh hơi được. Ông bị bà quay như chong chóng. Nào là “Ông đâm giùm miếng tỏi”, “Ông gọt giúp tôi mấy củ khoai lang” hoặc “ Ông lột tép…” Ông phải kêu lên:
- Cúng chi mà cả chục món. Đã nghèo còn bày vẻ cho đỗ nợ. Mua một hũ chao, vài trái dưa leo cũng đủ rồi. Thiệt mệt!
Ngoại trợn mắt:
- Ông nói vậy mà nghe được hả? Cúng má ông chớ ai? Làm tệ quá, bả đội mồ lên chửi cho trùng đầu. Ông không biết tính má sao?
Ông thở dài:
- Nhưng má chết rồi. Bà còn nói hành, nói tỏi làm chi!
Bà ngoại bật khóc:
- Ai bảo má cưới tôi cho ông rồi xử tệ với tôi. Bắt tôi ngủ ở gian bếp, còn ông trong phòng. Năm ba ngày mới cho gặp một lần. Bắt tôi phơi đầu ngoài ruộng. Tối ngày mặt cắm xuống đất. Hết cấy đến gặt. Hết gánh lúa vô nhà đến gánh lúa đem đi cho vay. Bắt tôi gạt người hiền lương mượn một trả hai. Vậy mà chính má đoan chắc tôi là gái độc sẽ không sinh con trai. Xúi ông cưới vợ nhỏ…
Ông ôm đầu, ngồi bệt xuống sàn nhà. Tựa lưng vào tường, ông rút thuốc ra bật lửa:
- Nhưng tôi có bỏ bà đâu. Vì bà, tôi bị má từ, tống ra khỏi nhà, bà chưa vừa lòng sao? Tối ngày, hết làm khổ người khác đến làm khổ bản thân. Thiệt hết biết!
Khi cổ bàn được bày biện ê hề, đẹp mắt, bà thay áo dài. Chiếc áo gấm nâu với những đóa hoa cúc màu đất sẫm. Chiếc áo đẹp nhất của bà. Nó chỉ được chui ra khỏi rương khi có việc…trọng đại. Bà đốt một vốc nhang. Khói nhang nghi ngút, ngào ngạt thơm. Bà ngước nhìn tấm ảnh, mắt long lanh những giọt nước chực trào qua bờ mi :
- Ưng ngay, vong hồn má có linh thiêng, xin về chứng giám chút lòng thành của vợ chồng con. Đây là những món má ưa thích. Xin phò hộ cho gia đình con được êm ấm.
Câu van vái quá quen thuộc. Bao giờ bà cũng cầu xin có vậy. Tôi thắc mắc sao bà không xin được giàu có? Bà mắng cho một trận:
- Mồ tổ cha mầy! Con tham lam! Muốn giàu, phải làm mới có. Cầu xin mà được chắc ai cũng thành triệu phú hết rồi.
- Vậy cầu êm ấm thì sẽ được, phải không ngoại?
- Cũng chưa chắc. Nhưng đòi hỏi vừa phải, dễ nghe hơn!
Ông bà ngoại tôi rất thương yêu nhau. Nhưng lại khắc khẩu. Nói chưa được hai câu đã cãi nhau. Bà bảo ông mạng thủy, lúc nào cũng sôi sục, cuồn cuộn. Còn bà mạng hỏa, lúc nào cũng hừng hực cháy bỏng. Còn tôi, tôi nghĩ mình mạng …mục. Hết bị vồ vập đến bị thiêu đốt. Tôi nói cho ông ngoại nghe ý nghĩ của mình, ông cười ha hả:
- Con nhỏ nầy hay thật! Nè, có lẽ con là đốm lửa trên đầu điếu thuốc của ngoại. Lập lòe nhưng ấm lòng lắm.
Tôi lý sự:
- Cô giáo con nói rằng một que diêm bật sáng vẫn hơn một biển bóng tối mênh mông. Con sẽ là que diêm ấy.
- Nhưng con có chắc là sẽ bật sáng không?
- Con chắc chắn như vậy. Con ao ước đâu có lớn lao gì mà không được, phải không bà ngoại?
Bà nói như vừa thoát khỏi cơn mơ ngủ:
- Ờ, ờ…đòi hỏi ít thôi, sẽ có.
Nhưng sau đó vài ngày, tôi khám phá ra rằng ao ước được êm ấm, hạnh phúc không phải là một đòi hỏi nhỏ bé, dễ đạt. Bà tôi mất. Ngôi nhà hốt nhiên vắng lặng, buồn tênh, lạnh lẽo. Ông vẫn ngồi trên bộ ván gõ. Nhưng không vấn lấy từng điếu thuốc để giết thời gian. Ông mua về toàn thuốc vấn sẵn, đóng gói. Ông lặng lẽ, vội vã đốt trụi thời gian bằng những điếu thuốc được bóc ra liên tục. Và, tôi, đốm lửa trên đầu điếu thuốc của ông lập lòe, bỏng rát!
Nguyễn Thị Mây