Tôi nhìn bà thật lâu rồi tự ngắm mình để so sánh, tìm kiếm những nét thân quen, gần gũi. Tất nhiên, tôi thấy mình trẻ đẹp hơn bà. Cái đầu xinh xinh của tôi gắn liền với chiếc cổ thon nhỏ, lanh lợi khi co duỗi trong cái mai mát rượi. Đôi mắt bà lờ đờ chớ nào có trong sáng bằng tia nhìn của tôi. Nằm trên một tảng đá, tôi có thể tìm thấy làn sóng trải dài phía xa và phân biệt một cách chính xác đó là nắng chiếu xuống mặt biển hay trên mặt đất. Tuy nhiên, tôi không sao phủ nhận được là mình có cái lưng giống bà kỳ lạ. Lưng tôi cũng cong cong, ẩn kín trong lớp xương dầy mà bà gọi nó là cái mai. Bà thường bảo: “Muốn biết tuổi của một con rùa biển thì chỉ việc đếm số vòng trên lưng nó là đúng phóc!” Và, tôi liền đếm mấy đường tròn nâu sẫm có mặt trên lưng bà. Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Bà ơi, tại sao bà hơn cháu chỉ có mười tuổi?
Bà cười to rồi chong mắt:
- Vậy chứ mày muốn hơn bao nhiêu tuổi mới được làm bà mày?
Làm sao tôi biết được điều đó. Đối với tôi, nó bí ẩn cũng như nguồn gốc của tôi vậy. Vả lại, trong lòng biển này chẳng có một ngôi trường để tôi vào đó mà học hỏi. Mọi vật ở đây đều không biết chữ. Chúng chẳng có ý niệm gì về khoa học kỹ thuật. Chúng sống hồn nhiên, thoải mái. Cứ bơi nhởn nhơ, lặn lội suốt ngày rồi đớp một chút gì đó để có sức ... bơi tiếp. Tôi thắc mắc:
- Bà ơi, mẹ cháu đâu?
Bà thản nhiên đáp:
- Ai biết?
- Trời! Thế ngoại không buồn nhớ mẹ cháu à?
- Buồn là gì?
- Là trạng thái tình cảm thông thường.
- Thôi, cho tao xin. Tao chỉ biết buồn ngủ thôi.
Và, bà nhắm nghiền đôi mắt. Ít giây sau, tiếng ngáy của bà cất lên đều đều. Mặc cho tôi bực bội, nghi ngờ.
Truyện ngắn: Bà cháu rùa biển (ảnh minh họa) |
Tôi được sinh ra cách đây không lâu bên bờ biển, cạnh hàng dương liễu. Mẹ tôi bỏ đi lúc nào không biết. Khi mở mắt chào đời, quanh tôi vô cùng vắng vẻ. Tôi kinh hoàng kêu gào nhưng không ai nghe thấy. Mệt mỏi, tôi thiếp đi. Tỉnh lại, vẫn khung cảnh tĩnh mịch vô cùng. Xa xa, nắng lấp lánh trên cao. Những vùng nắng chói chang ấy như có lẫn màu xanh của biển, màu đỏ của mặt trời và màu nâu của đất. Bỗng dưng, lòng tôi cồn cào một nỗi gì rất lạ!
Tôi nhớ vô cùng nơi mà tôi chưa hề đến. Dường như từ kiếp nào, vùng sáng ấy là chỗ ở của tôi, nơi trú ngụ của gia đình tôi và của cả giòng giống rùa biển như tôi. Tôi lần dò về hướng đó. Quãng đường rất dài mà chân tôi quá ngắn. Tôi tưởng như mình chỉ nhích từng chút một trong cái khoảng cách vời vợi ấy. Cuối cùng, tôi cũng đã đến được quê hương mình. Đó là biển cả bao la, là trùng dương bát ngát. Tôi tắm mình trong làn nước trong vắt, màu mặn mùi muối biển thân thuộc. Tôi lắng nghe tiếng ầm ào. Tiếng sóng vỗ rì rầm triền miên, không dứt. Tôi run lên và sung sướng vô cùng trước vẻ hùng vĩ của trời nước quê mình.
Ngay lúc ấy, tôi gặp bà. Bà đang say ngủ trong chiếc mai to tướng. Ngập ngừng giây lâu, tôi gọi:
- Chị ơi, cho em hỏi!
Giật mình, bà giương chiếc cổ ra, giọng ngái ngủ:
- Gì thế, nhỏ?
- Đây là đâu vậy chị?
- Ơ, là đại dương.
- Đại dương là gì vậy chị?
Có lẽ vì bị phá giấc ngủ, bà nổi nóng:
- Là ... Mồ tổ cha mầy, là ... mả mẹ mày ... Hừ, ai cho phép gọi tao là chị hả?
- Xin lỗi ....
- Hứ, phải gọi tao là bà. Là bà! Tao là bà ... ngoại mày.
Tôi ngạc nhiên lùi lại:
- Sao con không biết?
- Người lớn còn chưa biết, làm sao mày biết hả nhóc?
- Sao bà nhận ra cháu?
- Thì mày cứ nhìn cái lưng của mày kìa, nó có khác gì tao. Chỉ tội là hơi nhỏ một chút. Chính thế, tao mới được làm bà, hiểu không?
Tôi cũng chẳng hiểu gì hết. Nhưng, nghĩ lại, cũng không có hại nên tôi liền chạy đến, nép bên bà.
Từ đó, đi đâu, bà cháu cũng có nhau. Bà dẫn tôi đến thăm cảnh đẹp quanh vùng. Hướng dẫn cách tránh những cái hàm nhọn hoắc của cá mập, cách phát hiện nguy hiểm ở đây. Bà chia cho tôi những mảng rong màu hung giòn rụm, mát lạnh. Chúng tôi sống vô cùng hạnh phúc nếu như bà không có tật xấu là hay dè bĩu, chê bai tôi. Bù lại, tôi được cái nết chịu đựng và bình tĩnh.
Bà luôn muốn chứng minh cho tôi thấy là tôi có ... một đại dương khuyết điểm. Còn tôi, tôi muốn bà nhìn nhận rằng bà cũng có tất cả những tật xấu mà tôi có.
Trên đường du ngoạn, bà cằn nhằn tôi bò quá chậm, dáng điệu tôi cứ khệnh khạng thế nào ấy, cái cổ tôi sao mà cứ niểng qua, niểng lại, trông bực cả mình. Tôi nổi nóng, dồn hết sức bò tới trước. Tôi núp vào một hốc đá. Mặc cho bà rị mọ tìm kiếm, kêu réo. Khi trông thấy tôi, bà liền mắng:
- Mày điếc đến thế là cùng.
- Còn bà, bà chẳng nghe được cái gì cả. Hôm qua, con gọi cả buổi, bà có hay đâu.
Điều tôi bực nhất là cách ăn của bà. Bà ăn nhiều kinh khủng. Cả một nhánh rong to tướng, bà ngoạm sạch. Sau những lần như vậy, bà bắt đầu lười biếng, tìm chỗ ngủ. Dù tôi có vòi vĩnh, cằn nhằn đòi đi chơi, bà vẫn thản nhiên ngủ. Những lúc chợt thức, bà tiêu hóa lại mớ thức ăn cũ. Trông ghê làm sao ấy. Nếu tôi phản đối, bà liền bảo:
- Đừng có làm bộ con ơi! Mai mốt mày cũng như tao thôi. Vì mày cũng là một con rùa. Mà con rùa nào chả thế!
Tôi tức lắm, nhưng lâu dần cũng quen đi. Tôi để yên cho bà ngủ, tự mình bò đi chơi và tìm thức ăn cho bản thân.
Đêm nay, trời trong vô cùng. Trăng bàng bạc xuyên qua làn nước nằm chênh chếch bên góc trái đảo san hô. Tôi lặng ngắm ánh vàng duyên dáng ấy. Mấy con cá vàng bơi qua mặt tôi, cất giọng vui vẻ: “Chào chị rùa!” – Tôi đưa bàn chân vẫy vẫy: “Chào các em, các em đi đâu đó, cho chị theo với ?” Vậy là tôi theo mấy cô bé cá vàng sang phía bên kia đảo.
Bỗng, nước như sôi lên, sóng cuồn cuộn xô tới, xô lui. Mấy nhánh cây gãy gục. Ngọn đảo san hô ngã nghiêng, sập xuống, vỡ vụn. Liền đó, một con cá to hơn cả chiếc tàu lướt tới. Chúng tôi kinh hoàng kêu lên “cá mập”. Tôi rụt đầu vào cái mai của mình, thu người lại, mắt nhắm nghiền. Mặc cho may rủi. Tôi bị hất tung vào một hốc đá. Vội chui đến chỗ an toàn, tôi thiếp một giấc dài.
Khi tỉnh lại, mặt biển đã yên tĩnh. Nhưng, tôi vĩnh viễn mất bà. Lòng tôi bắt đầu một nỗi sợ hãi khác. Bà nằm bẹp dí dưới một tảng đá lớn, lưng bà bị căng ra, phẳng lì, đè lên mớ thịt cũng phẳng lì như một miếng giấy đầy máu. Tôi kêu khóc, bà vẫn nhắm mắt thản nhiên, không bực bội. Bà không còn trừng mắt với tôi hoặc buông những câu chê bai, chọc ghẹo. Bà đã chết, bỏ mặc tôi đơn độc như ngày đầu tôi tới đây. Bây giờ, tôi thèm biết bao nhiêu những ngày dong ruổi bên bà. Tôi hối tiếc, ân hận vì cứ cãi nhau với bà và ngờ vực bà nhiều thứ. Khi tôi nhận ra, tôi yêu quí bà và bà là chỗ dựa của tôi thì bà không còn nữa. Tôi nuốt những giọt nước mắt mằn mặn như muối biển vào cổ rồi vẫy chào bà lần cuối:
- Bà ơi, cháu tin bà là bà ngoại của cháu. Ngoại thân yêu của cháu. Vĩnh biệt bà!
Nguyễn Thị Mây